Theo lời Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, không loại trừ khả năng trong chiến dịch quân sự tại Libya, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi sẽ bị tiêu diệt.
| Chiến sự tại Libya rất ác liệt |
Đài Tiếng nói nước Nga đêm 7-5 dẫn lời bà Hillary Clinton phát biểu như vậy. Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ cho hay, liên quân sẽ tấn công các căn cứ quân sự và các chủ thể khác tại Jamahiri và ông Gaddafi có thể trở thành nạn nhân của cuộc tấn công mà chính ông đã khơi mào. Ngoại trưởng Mỹ còn gọi ông Gaddafi là “chướng ngại vật” trên con đường giải quyết mâu thuẫn chính trị.
Trước đó, vào ngày 6-5, nhóm 22 quốc gia và các tổ chức quốc tế đã thảo luận về các bước hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở Libya. Lực lượng này nói họ đang cần 3 tỉ USD trong vài tháng tới cho các chi phí trả lương quân đội, lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm. Tuy nhiên các nước tham dự họp mới cam kết một khoản viện trợ nhân đạo 250 triệu USD. Mỹ cam kết 53 triệu USD viện trợ nhân đạo và thông qua 25 triệu USD hỗ trợ không bao gồm vũ khí sát thương cho lực lượng nổi dậy, chủ yếu dưới dạng hiện vật bao gồm thiết bị y tế, quần áo, giày, lều bạt… Ngoại trưởng Anh William Hague khẳng định bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào cho lực lượng nổi dậy cũng đều không được dùng để mua vũ khí.
Kết thúc cuộc họp ở Rome, nhóm các nhà lãnh đạo phương Tây tuyên bố thời gian đang sắp hết đối với chế độ Gaddafi. Văn kiện kết thúc cuộc họp viết: “Chế độ này đang ở thế phòng thủ và đang ngày càng bị cô lập ở cấp quốc tế”. Ngoại trưởng Italy Franco Frattini cho biết Tòa án hình sự quốc tế có thể kết tội ông Gaddafi phạm tội ác chiến tranh vào ngày 15-5 và điều đó sẽ gia tăng sức ép đối với nhà lãnh đạo này. Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban quân sự NATO, ông Giampaolo Di Paola tuyên bố thời hạn của sứ mệnh ở Libya phụ thuộc vào ông Gaddafi. Được biết đã có thêm ba nước Tây Ban Nha, Đan Mạch và Hà Lan, cùng với Ý và Pháp trước đó, công nhận Hội đồng chuyển đổi quốc gia là chính quyền hợp pháp của Libya, theo lời một người phát ngôn của lực lượng nổi dậy nói với báo Pakistan Daily Times ngày 5-5.
Liên quan đến tình hình Libya, cuối tuần qua tại thủ đô Brussels (Bỉ), các tướng lĩnh quân sự NATO đã nhóm họp hai ngày để thảo luận về cách thức tiến hành không kích ở Libya với mục tiêu làm suy yếu lực lượng của ông Gaddafi. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh chiến dịch không kích của NATO đã bước sang tuần thứ bảy, song vẫn chưa mang lại hiệu quả như mục đích đặt ra ban đầu. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhấn mạnh NATO sẽ không cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy ở Libya. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc tiếp tục phản đối chiến sự ở Libya.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung trưa 6-5 tại Mátxcơva sau khi hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Nga phản đối mọi cuộc chiến trên bộ ở Libya. Ông Lavrov khẳng định nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ về Libya loại trừ khả năng mở cuộc chiến trên bộ tại nước này và Nga ủng hộ việc loại trừ đó. Ông Lavrov cho biết Nga và Trung Quốc đều ủng hộ việc nhanh chóng chấm dứt chiến sự tại Libya và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì cũng kiên quyết phản đối việc tất cả các bên liên quan sử dụng vũ lực.
VIỆT ANH (tổng hợp) |