Cùng thời điểm Hội nghị kiểm điểm thực hiện Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) khai mạc tại New York, ngày 3-5, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lần đầu tiên tiết lộ về quy mô kho vũ khí hạt nhân, vén lên bức màn bao phủ những con số từng một thời được coi là "tối mật".
| |
Với việc công bố kho vũ khí hạt nhân, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiết lộ các số liệu mới nhất về kho vũ khí của mình. Cụ thể, Lâu Năm Góc cho biết họ có 5.113 đầu đạn hạt nhân, giảm 84% so với thời kỳ đỉnh cao năm 1967. Khi bức tường Berlin sụp đổ, lượng đầu đạn này là 22.217. Con số trên bao gồm lượng đầu đạn đã triển khai, đang ở trong kho và số đầu đạn "thụ động" nằm trong kho ở "trạng thái không hoạt động". Tuy nhiên, con số trên không tính đến các đầu đạn đã qua thời gian sử dụng và đang chờ hủy, mà theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ lên tới 4.600 đầu đạn.
Số liệu do Lầu Năm Góc đưa ra đã giảm 84% so với kho vũ khí 31.255 đơn vị của Mỹ vào năm 1967 thời Chiến tranh Lạnh, và bằng 75% so với cuối năm 1989 khi Bức tường Berlin sụp đổ. Lầu Năm Góc cũng cho biết từ năm tài chính 1994 đến 2009, Mỹ đã phá hủy 8.748 đầu đạn hạt nhân. Những số liệu này cũng rất khác với những dự đoán của một số tổ chức phi lợi nhuận. Theo như đánh giá của bản tin những nhà khoa học hạt nhân của Mỹ công bố năm 2009, Mỹ có khoảng 9.400 vũ khí hạt nhân vừa được triển khai và lưu giữ trong kho.
Phát biểu khi Lầu Năm Góc công bố số liệu được giữ bí mật lâu nay này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói: "Đây là lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi khi có thể minh bạch về chương trình hạt nhân của Mỹ. Chúng tôi cho rằng nó sẽ xây dựng niềm tin, giúp nhiều người hơn nữa hiểu những gì Tổng thống Obama và chính quyền này đang nỗ lực thực hiện". Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cũng nói: “Mỹ đang chứng tỏ sự minh bạch. Đây là một phần trong cam kết của chúng tôi nhằm củng cố nỗ lực giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt và kiểm soát vũ khí tốt hơn".
Giới phân tích cho rằng với việc công bố số liệu về kho vũ khí nguyên tử, Washington đang muốn chứng tỏ rằng họ cắt giảm vũ khí để thuyết phục các nước khác tăng cường việc ngăn ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt. Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo những nước không từ bỏ kho vũ khí hạt nhân sẽ phải chịu kết cục bị cô lập. Trong thông điệp viết tay gửi đến hội nghị đánh giá việc thực thi NPT tại New York, ông Obama viết: "Chúng ta sẽ chờ xem liệu những nước không sở hữu vũ khí hạt nhân có thực hiện nghĩa vụ từ bỏ chúng hay không".
Hội nghị toàn thế giới nhằm kiểm điểm việc thực hiện Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đã khai mạc hôm 3-5 tại New York (Mỹ). Đây là hội nghị tổ chức 5 năm một lần, năm nay có sự tham gia của 189 phái đoàn quốc gia.
NPT là hiệp ước quan trọng nhất thế giới trong lĩnh vực hạt nhân, có mục tiêu nhằm chống lại việc phát tán loại vũ khí hủy diệt này. Nó có hiệu lực từ năm 1970. Nội dung chủ yếu của NPT là; cac quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết không tìm cách có chúng; những nước có vũ khí cam kết tiến tới cắt giảm; và tất cả các nước công nhận quyền phát triển công nghệ hạt nhân để tạo ra năng lượng một cách hòa bình.
Trong số 189 nước tham dự, có ba nước không ký hoặc đã rút khỏi hiệp ước là Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên. Các nước này đều được cho là có vũ khí hạt nhân. Hiện trên thế giới, những nước công khai có vũ khí hạt nhân gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an là Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Israel là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng không tuyên bố chính thức.
VIỆT ANH (tổng hợp) |