Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương

15:16 23/05/2012

Truyền thông Mỹ ngày 21-5 dẫn lời Đô đốc Hải quân Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, cho biết quân đội nước này đang tìm cách mở rộng sự hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc tăng cường triển khai quân luân phiên.
Truyền thông Mỹ ngày 21-5 dẫn lời Đô đốc Hải quân Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, cho biết quân đội nước này đang tìm cách mở rộng sự hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc tăng cường triển khai quân luân phiên.

Chiến hạm USS Vandegrift FFG-48
Chiến hạm USS Vandegrift FFG-48

Trả lời phỏng vấn hãng tin American Forces Press, ông Locklear cho biết khoảng 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ triển khai luân phiên tới Australia trong những năm tới, qua đó tăng cường “khả năng áp sát” của quân Mỹ cũng như khả năng phối hợp với các đối tác trong khu vực. Theo ông Locklear, mô hình này phù hợp với chỉ đạo chiến lược quốc phòng mới, theo đó chú trọng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà không cần có thêm các cơ sở hạ tầng mới hay các căn cứ quân sự thường trực của Mỹ. Tháng 4-2012, khoảng 200 lính thủy đánh bộ Mỹ đã lần đầu tiên triển khai luân phiên sáu tháng tại Darwin (Australia) để phối hợp với Lực lượng Phòng vệ Australia.

Dự kiến, tàu chiến duyên hải mới USS Freedom cũng sẽ thực hiện việc triển khai luân phiên 10 tháng tới Singapore vào mùa Xuân tới. Chiến hạm trên thuộc về một lớp tàu mới cũng mang tên Freedom, gồm những tàu chiến hoạt động ven biển. Đây là loại tàu nhỏ với thiết kế đặc biệt dành cho những chiến dịch gần bờ. Loại chiến hạm này có thể được triển khai nhanh chóng tới những khu vực có biến động, vốn là một phần trong chiến lược tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ mới đưa ra. Ngoài các kế hoạch với Australia và Singapore, Mỹ đang hướng tới việc triển khai quân sự tại Philippines và Thái Lan như một phần của chiến lược mới.

Tháng Tư vừa qua, Mỹ và Nhật đã nhất trí kế hoạch tái bố trí khoảng 9.000 lính thủy đánh bộ tại Okinawa, theo đó 5.000 lính chuyển tới đảo Guam và số còn lại tới nơi khác trong khu vực. Cùng với sự hiện diện của hơn 85.000 lính Mỹ đóng ở Nhật Bản và Hàn Quốc, sự có mặt của 600 lính đặc nhiệm Mỹ tại miền Nam Philippines không chỉ hỗ trợ quân đội nước này đối phó với các mối đe dọa của lực lượng nổi dậy Abu Sayyaf, mà còn giúp quân đội Mỹ tăng cường sự hiện diện hơn nữa ở khu vực châu Á. Trước đó hồi tháng Giêng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và công bố chiến lược quốc phòng sửa đổi cho giai đoạn tài chính eo hẹp.

Cũng trong ngày 21-5, tại cuộc họp đầu tiên của Nhóm các nhân sỹ ASEAN - Mỹ ở thành phố Manila, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc James Stapleton Roy tuyên bố chính phủ Mỹ đang chuyển trọng tâm sang khu vực Đông Nam Á. Ông Stapleton Roy khẳng định lý do Washington trở lại sau nhiều năm bận tâm tới Trung Đông là vì tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với nền kinh tế Mỹ. Theo ông Roy, điều này không nên bị “gắn mác” là một phần trong chiến lược “kiềm chế Trung Quốc”. Cũng theo ông Roy, sẽ là sai lầm khi ép ASEAN chọn đứng về bên nào vì những nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như Mỹ, “có quan hệ quan trọng với Trung Quốc” - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.


VIỆT ANH (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông