Đạisứ Mỹ tại LHQ Susan Rice thừa nhận Mỹ không thể một mình giảiquyết vấn đề toàn cầu, vì vậy nước này sẽ tăng cường hợp tác với LHQtrong tương lai. Những lời nói của bà Rice cho thấy Washington đang có phần thay đổi chínhsách đối với LHQ.
| Nữ đại sứ Susan Rice thừa nhận nước Mỹ đã sai lầm |
Trong bài phát biểu quan trọng mang tựa đề "Một tiến trình mới trên thế giới, một cách tiếp cận mới tại LHQ" ở trường Đại học New York ngày 12-8, nữ đại sứ Mỹ Susan Rice đã trình bày những ưu tiên mới trong quan hệ với LHQ của Tổng thống Barack Obama. Theo bà Rice, Mỹ đã phải trả giá đắt do không nhận thức đúng vai trò của LHQ trong thời gian qua. Washington hiểu ra rằng họ không thể hành động đơn phương, mà phải hợp tác chặt chẽ với LHQ để giải quyết những vấn đề của thế giới như đấu tranh chống khủng bố, đói nghèo, ngăn chặn phổ biến hạt nhân, khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu và những thách thức lớn khác.
Bà Susan Rice khẳng định trong thế kỷ 21, nước Mỹ sẽ lãnh đạo không phải bằng sự ngạo mạn, hăm dọa, mà bằng chính sách đầu tư cho con người, ngoại giao kiên nhẫn và quyết tâm mạnh mẽ nhằm củng cố an ninh chung của nhân loại. Do đó, Mỹ cũng rất cần sự hợp tác hiệu quả của các nước đồng minh, đối tác và các nước khác trên cơ sở cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau nhằm hàn gắn những bất đồng trước đây.
Như vậy là trong thời gian qua, Mỹ liên tiếp bày tỏ thái độ về chính sách đối với LHQ, nhằm nói lên chính sách đối với tổ chức này của chính phủ hiện nay có phần khác với chính quyền tiền nhiệm. Mỹ sẽ trang trải chi phí giữ gìn hòa bình mà Mỹ nợ LHQ từ năm 2005 đến năm 2008, đồng thời sẽ đóng chi phí năm 2009 theo "định mức" một cách đúng thời hạn, tổng cộng khoảng 2,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, Mỹ đã lần đầu tiên được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ vào ngày 12-5 năm nay. Đây được coi là một hành động quan trọng nữa về chính sách của chính phủ Obama đối với LHQ.
Các nhà phân tích nêu rõ, Mỹ thay đổi thái độ đối với LHQ là kết quả quan trọng về chuyển đổi chính sách ngoại giao của ông Obama. Trong thời kỳ chính quyền Bush, Mỹ thực thi chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa đơn phương, nhất là năm 2003, nước này và Anh bất chấp sự phản đối của LHQ đã phát động chiến tranh Iraq, khiến quan hệ giữa với LHQ giảm xuống tới mức thấp nhất. Song sự thực chứng minh chủ nghĩa đơn phương không thích hợp với xu hướng phát triển của thế giới ngày nay. Nếu chỉ nhờ vào sức mạnh bản thân thì Mỹ sẽ không thể giải quyết nổi những vấn đề nóng bỏng hiện nay.
Thế nhưng, cho dù Mỹ bày tỏ thái độ mong muốn cải thiện quan hệ với LHQ, song quan hệ song phương liệu có thể mở ra một trang mới hay không, đó là điều cần phải quan sát thêm. Trước hết, trong số 192 thành viên LHQ, phần lớn là nước đang phát triển, ít nhiều đều có xung đột với Mỹ trong rất nhiều vấn đề quốc tế. Ngoài ra trên các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, thương mại…, Mỹ cũng tồn tại sự tranh chấp về lợi ích với rất nhiều nước.
Hai là, mặc dù rất rõ ràng giữa Mỹ và LHQ có nhu cầu lẫn nhau, song họ sẽ không nhượng bộ cho nhau trên vấn đề thực thi quyền chủ đạo. Chủ nghĩa thực dụng của Mỹ đối với LHQ cũng không thể thay đổi trong thời gian ngắn. Trên các vấn đề quan trọng liên quan tới lợi ích thiết thân của Mỹ như vấn đề Iraq, vấn đề Afghanistan, Mỹ tuyệt đối không dễ gì dâng quyền chủ đạo cho LHQ, trong khi đó LHQ cũng quyết không hành động theo tất cả mọi ý muốn của Mỹ. Vì vậy, sự hợp tác giữa Mỹ và LHQ trong tương lai vẫn chỉ là “có hạn”.
VIỆT ANH (theo CRI, TTX) |