16:15 08/08/2017 Trở về sau cuộc chiến tranh chống Mỹ, mang trong mình vết thương mà chiến tranh để lại, đau đớn nhìn 4 người con của mình bị câm điếc từ khi mới sinh ra do ảnh hưởng từ chất độc hóa học, nhưng người lính Lưu Trí Hải năm xưa vẫn vượt qua số phận. Bằng ý chí, bằng nghị lực, ông đã cùng với các con của mình trở thành những tấm gương “Tàn nhưng không phế” vươn lên hòa nhập với cộng đồng, sống một cuộc sống đầy ý nghĩa.
Những ngày đầu tháng 8, thời tiết thất thường, những vết thương cũ từ chiến tranh lại hành hạ người thương binh Lưu Trí Hải. Nhưng không chịu khuất phục trước số phận, căn nhà nhỏ trú tại số 15/190 Đà Nẵng, phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền của ông vẫn đều đặn vang lên tiếng búa, tiếng đòn. Những người dân xung quanh gọi đó là “xưởng cơ khí nhỏ” của gia đình ông “Hải Nháy”, nơi nuôi sống cả gia đình người thương binh bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.
Vừa ngồi gia công lại chiếc thùng hóa vàng bằng inox mà ông đã hoàn thiện trước đó, ông Hải vừa tâm sự về những năm tháng chiến đấu của mình và nỗi lòng của người cha khi chứng kiến các con của mình không được phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Năm 1963, chàng trai Lưu Trí Hải nhập ngũ tham gia chiến đấu tại chiến trường B3, Tây Nguyên và tham gia đánh hơn 50 trận đánh lớn nhỏ. Ông Hải tâm sự: “Chiến trường thời ấy cũng vô cùng ác liệt, khi Mỹ đổ bộ vào, chúng cho máy bay trực thăng bay sát vào cây cỏ, từng đợt bom dội xuống. Không chỉ vậy, quân địch còn phun từng đợt chất hóa học xuống. Trước kia, bộ đội ẩn núp dưới tán cây xanh, nhưng từ khi có những trận bom, mưa hóa học, rừng cây trụi lá, cây cỏ lụi tàn không sống nổi”. Trong suốt những năm tháng chiến tranh khắc nghiệt đó, ông Hải cùng các đồng đội của mình vẫn quyết tâm bám rừng, bám suối để chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Những mảnh đạn găm vào chân, tay và cả đầu không làm nhụt chí tinh thần của người chiến sỹ bộ đội.
Năm 1972, ông xuất ngũ trở về địa phương làm kinh tế, ông vẫn không biết mình bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ngay cả khi đã lập gia đình, sinh được 4 người con trai, chứng kiến cảnh các con phát triển không bình thường, bị câm điếc bẩm sinh, lại bị người đời nói lời ra tiếng vào, ông vẫn nghĩ là do đời trước mình ăn ở thất đức nên đời này tai họa ập đến với các con mà không hề biết rằng chính bản thân ông đã mắc trong mình chất độc chết người mang tên “da cam/dioxin”. “Ngày còn trong chiến trường, tôi cũng thường xuyên bị sốt rét, nhưng vẫn nghĩ đó là chuyện bình thường. Năm 1967 khi ra Bắc học thêm, mỗi khi thời tiết thay đổi hay mệt mỏi, tôi cũng hay bị sùi bọt mép, lên cơn co giật những lúc đó lại nghĩ mình bị động kinh. Mãi đến sau này, vào năm 2001, khi được đi giám định sức khỏe, tôi mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam mức 41 - 61%. Và lúc này tôi mới hiểu, nguyên nhân khiến các con tôi bị câm điếc là do chất độc da cam”, ông Hải vừa lau những giọt nước mắt vừa tâm sự.
Giờ đây, khi hòa bình lặp lại, bỏ lại sau lưng những ký ức về một thời chiến tranh khốc liệt, dù phải chịu nỗi đau bệnh tật và nhìn những đứa con vô tội phải gánh nỗi đau da cam nhưng ông Hải vẫn không hề nản chí. Trước khi tham gia nhập ngũ, ông Hải đã từng theo học nghề cơ khí, gò, hàn tại trường công nhân kỹ thuật 1 (Máy Tơ, Ngô Quyền), nên khi trở về địa phương, để nuôi sống gia đình, chắt góp số tiền ít ỏi mà mình dành dụm được, ông đã mở một xưởng cơ khí nhỏ, chuyên sản xuất những sản phẩm dùng trong sinh hoạt hàng ngày bán cho bà con trong và ngoài xóm. Những sản phẩm của ông đều chứa đựng đó sự tỉ mỉ, lòng yêu nghề và đặc biệt là trách nhiệm của một người trụ cột trong gia đình. Chính vì vậy, dù xưởng cơ khí nằm trong con hẻm nhỏ nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp khách ra vào.
Khi người vợ đã cùng ông đi qua những năm tháng của cuộc đời đầy đau khổ qua đời vì bệnh nặng, ông Hải lại một mình vừa gánh vác trách nhiệm làm cha, vừa làm thay vai trò của người mẹ, nuôi nấng các con khôn lớn và trưởng thành. “Sinh ra các con thì phải có trách nhiệm với chúng. Chỉ có điều, các con không đi học như những đứa trẻ bình thường được nên tôi đã hướng dẫn các con theo học nghề của cha. Các con tôi dù bị tật nhưng chúng học hỏi rất nhanh. Ngoài đứa lớn mất năm 2004, thì giờ đây 3 đứa còn lại đều đã có gia đình riêng và đứa nào cũng có thể tự mình kiếm sống nuôi gia đình. Mỗi đứa giỏi một thứ, đứa thì làm thợ nhôm kính, đứa thì sửa ống nước, đứa thì tiếp nghề hàn của tôi. Cuộc sống của tôi dù có vất vả nhưng khi thấy các con hạnh phúc, tự biết lo cho cuộc sống của mình là tôi mừng lắm rồi”, ông Hải chia sẻ.
Dường như, những vết thương lòng do chiến tranh để lại chính là nghị lực giúp ông Hải và các con vượt lên số phận. Bằng cách truyền nghề cho các con, giờ đây cả gia đình ông đều biết làm nghề gò, hàn, nhôm kính để tự nuôi gia đình mình. Ông luôn tâm niệm và dạy các con rằng, dù cuộc đời có khắc nghiệt đến đâu thì bản thân lúc nào cũng phải yêu đời, có thế mới vượt qua được số phận. Gia đình ông chính là tấm gương sáng cho các gia đình cùng cảnh ngộ khách noi theo.
Ngân Phạm
10:11 20/10/2024
18:35 17/10/2024
20:57 08/09/2024