Nâng cao chất lượng dịch vụ công cộng: Để Hải Phòng trở thành thành phố “đáng sống”

10:33 06/04/2019

Những năm gần đây, Hải Phòng nổi lên như một hiện tượng của cả nước về đầu tư phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng công cộng. Nhờ những công trình mới, diện mạo Hải Phòng đã có nhiều thay đổi, hứa hẹn một không gian tươi sáng của một thành phố “đáng sống”.

Đô thị Hải Phòng trên lộ trình hướng tới văn minh, hiện đại

Bước ngoặt “tạo dáng đô thị”

          Nói về cảnh quan, một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất xuất hiện gần đây ở Hải Phòng có lẽ là không gian của những công viên mới. Nếu như năm 2013, việc Hải Phòng hoàn thành chỉnh trang dải trung tâm được coi là dấu ấn, thì những năm sau đó, hàng loạt công trình khác được đầu tư, thực sự tạo ra bước đột phá trên lĩnh vực chỉnh trang đô thị.

          Người Hải Phòng xa quê hay người đã lâu không đến Hải Phòng, chắc hẳn trong ký ức còn nhớ đế khu phố bề bộn quanh chợ Sắt và bến xe Tam Bạc ngày nào. Giờ đây tất cả đã trở thành quá khứ, khu vực này đã hiển hiện một công viên thuộc diện đẹp nhất thành phố, với gần 2.500m2 sân dạo, khoảng 3.000m2 cây xanh và thảm cỏ, cùng hệ thống thoát nước mặt, cấp nước, cấp điện chiếu sáng, tạo một không gian thoáng đạt về phía ngã ba sông. Về phía đối xứng, khu vực ảm đạm một thời của dự án công viên Rồng Biển, được coi là “nút thắt” trong mạch tim thành phố cũng được khơi tỏa.

Không chỉ có dải trung tâm, nhiều tụ điểm công cộng khác cũng đã được thành phố tiến hành cải tạo. Đáng kể như dự án chỉnh trang sông Tam Bạc, được đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, không chỉ thay đổi diện mạo cảnh quan, tạo nét đẹp văn minh đặc trưng, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, khi những công trình thương mại, dịch vụ khu vực phố đi bộ được đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, nhiều không gian khác cũng được loại bỏ những hình ảnh chướng ngại, để tạo ra một dáng vóc mới, khiến bức tranh đô thị Hải Phòng càng thêm rạng rỡ, để những nơi công cộng trở về với đúng công năng phục vụ cộng đồng.

          Theo Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, công tác an sinh xã hội phải là những việc thiết thực, chính vì thế bên cạnh việc chăm lo đến đời sống vật chất của nhân dân, thành phố chủ trương đầu tư mạnh mẽ vào các công trình để Hải Phòng thực sự chuyển mình theo hướng văn minh, hiện đại. Điều đó không chỉ hiện thực hóa bằng các công viên kể trên, mà còn được thể hiện ở những công trình lớn khác. Cụ thể trong hai năm qua, thành phố đã đầu tư và đưa vào khai thác 3 nút giao thông khác mức liên quan đến tuyến quốc lộ 5 chạy qua nội thành. Còn ở ngoại thành, những cây cầu mới như cầu Đăng, cầu Hàn… cùng hàng nghìn km đường nông thôn được hỗ trợ cải tạo, thực sự trở thành đòn bẩy mang tính toàn diện.

          Còn nữa, những khu phố chật chội cũng đã được thay da đổi thịt, với những tòa nhà hiện đại kết hợp công viên, đẹp đến mê hồn như khu đô thị Vinhomes Riverside. Khu vực heo vắng phía đông nam thành phố giờ cũng hiện hình thành nội đô sầm uất, mà điểm nhấn phải kể đến các khu đô thị Nam sông Lạch Tray và Vinhomes Marina. Hải Phòng cũng ghi tên mình vào đầu danh sách những địa phương tạo ra bước đột phá, trong việc đầu tư xây dựng lại các chung cư cũ xuống cấp. Đồng thời cũng đột phá khi ban hành cơ chế hỗ trợ cải tạo ngõ ngách, vỉa hè trong khu vực nội thành.

Dịch vụ công góp phần cải thiện môi trường sống lành mạnh

          Cần thống nhất về quản lý, khai thác

Trong khuôn khổ một bài viết, thật khó có thể liệt kê đầy đủ những thành tựu của Hải Phòng trên lĩnh vực cải thiện không gian công cộng thời gian qua. Nhưng có thể khẳng định, với những gì đã hiển hiện, Hải Phòng đang chuyển mình mạnh mẽ, tiếp tục củng cố vị thế trung tâm của khu vực.

Tại Nghị quyết 45-NQ/TW, Bộ Chính trị đã định hướng Hải Phòng phải phát triển ngang tầm với những thành phố tiêu biểu của châu Á. Nghĩa là chỉ nhìn riêng về góc độ an sinh, thì tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển, khái niệm “cư dân” không còn đơn thuần là những công dân Hải Phòng, mà cả Việt Nam, xa hơn là một cộng đồng quốc tế đa sắc tộc. Trong điều kiện ấy, nói theo cách dễ hiểu là phải nâng cao chất lượng cho cư dân thành phố, để Hải Phòng thực sự đáng sống.

Đây chính là cơ hội nhưng đồng thời là thách thức rất lớn, vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả những thành tựu đã đầu tư. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hội nhập, quá trình đó cũng buộc phải vận động theo hướng cởi mở, nhưng cần một sự vận hành thống nhất. Những gì diễn ra trong quá khứ đã phản ánh rõ nét, sự thiếu tính đồng bộ trong quản lý không chỉ tạo lực cản cho an sinh xã hội, mà còn hủy hoại thành quả. Đơn cử như nhiều tuyến đường vừa làm mới hoặc cải tạo, đã bị đào bới phục vụ cho những công trình khác, là chuyện không phải hiếm và hiện vẫn tiếp diễn.

Mặt khác, trên lĩnh vực dịch vụ công, cần phải thấy rằng các doanh nghiệp đã có rất nhiều cố gắng, nhằm đưa đến cho người dân những sản phẩm tốt nhất. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, quá trình cung ứng dịch vụ cũng chưa thể tạo ra sự hoàn hảo. Đặc điểm chung là các ngành dịch vụ công là đều có mối quan hệ hữu cơ, cùng đem lại nguồn thụ hưởng thiết yếu cho người dân. Nhưng chưa kể những hạn chế khách quan, thực  nhiều cơ chế chính sách đang tạo lực cản cho phát huy nội lực, nhất là công tác quản lý thiếu thống nhất. Chẳng hạn như việc cấp nước sạch, hiện thu nhập bình quân của hai khu vực nội và ngoại thành đã không còn chênh lệch lớn, nhu cầu thụ hưởng cũng ngày một cao, nhưng đang tồn tại tình trạng bất bình đẳng. Cũng là cấp nước sinh hoạt, công nghệ của Công ty cấp nước đưa ra sản phẩm hợp chuẩn, còn công nghệ ở nông thôn chỉ duy nhất một công đoạn lắng lọc, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia do ngành khác quản lý, nên việc triển khai “bình đẳng hóa” còn gặp khó khăn.

Đối với lĩnh vực môi trường đô thị cũng vậy, dù có nhiều tiến bộ nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vì hiện dịch vụ môi trường tiêu chuẩn cơ bản mới đảm nhiệm khu vực một số quận trung tâm, còn lại các khu vực ven đô và nhất là nông thôn vẫn nhiều nan giải. Chưa kể cũng là rác, nhưng có đến hai ngành chuyên trách, rác “phố” của ngành xây dựng, rác “quê” của ngành nông nghiệp quản lý? Hơn nữa cũng nhìn vào thực tiễn, lĩnh vực hoạt động chủ yếu vẫn là rác thải sinh hoạt, xử lý theo phương pháp chôn lấp, nguy cơ gia tăng, cơ cấu phức tạp, ô nhiễm môi trường từ rác thải ngày càng lớn.

Những năm gần đây, thành phố có nhiều nỗ lực hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ công, điển hình là với tổ chức JICA và các thành phố Kitakuyshu, Fukuoka… của Nhật Bản. Định hướng mục tiêu phát triển bền vững, đã trở thành nhiệm vụ cấp bách, cụ thể là các lĩnh vực xử lý rác thải, sử dụng năng lượng, cấp nước, thoát nước, bảo vệ môi trường, giao thông, bảo tồn sinh thái… Rõ ràng, dịch vụ công cộng là lĩnh vực đặc thù, có tác động trực tiếp đến an sinh xã hội, tình trạng mạnh ai người ấy làm rất khó đem lại hiệu quả, mà cần tập trung theo hướng đầu mối quản lý tầm cấp thành phố.

Và tất nhiên, thành phố không thể gọi là đáng sống, mục tiêu tăng trưởng bền vững sẽ khó thành công, nếu không “bền hóa” được ý thức cộng đồng.

                          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông