Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội: Góp phần đảm bảo an sinh xã hội

17:36 18/11/2019

Chính sách trợ giúp xã hội của Đảng, Nhà nước ta nhằm tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, từ đó ổn định xã hội, phát triển bền vững. Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị của thành phố Hải Phòng và toàn xã hội đã vào cuộc, chung tay chăm lo tới các đối tượng trong diện trợ cấp xã hội như người già neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi, hộ nghèo, cận nghèo…

Theo thống kê của ngành LĐTB&XH thì số người cần trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố hiện tương đối nhiều, trong đó có khoảng 247.100 người cao tuổi, hơn 40.200 người khuyết tật, hơn 4.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 8.223 hộ nghèo, 14.902 hộ cận nghèo, hơn 7.640 người nhiễm HIV/AIDS, khoảng 6.700 người nghiện ma tuý, khoảng 4.300 nạn nhân bị bạo hành, bạo lực trong gia đình và khoảng 74.000 đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và một số nhóm đối tượng cần trợ giúp khác.

Trong những năm qua, công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả tích cực, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã tổ chức tốt hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội không có khả năng tự lo liệu được cuộc sống như người cao tuổi, người khuyết tật đặc biệt, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi…

Bên cạnh đó, các chế độ trợ cấp, trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng cũng như được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách. 

Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm 2019, thành phố đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 74.825 đối tượng với kinh phí là 170.699 triệu đồng, như vậy bình quân hàng tháng mỗi đối tượng được nhận mức hỗ trợ là 381.000 đồng/tháng/người.

Cùng với các khoản trợ cấp hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Nhà nước quản lý còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định pháp luật, hỗ trợ phí mai táng khi chết, cấp vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày như chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, mùa đông, giày dép, thuốc chữa bệnh thông thường…

Đối với trẻ em ở độ tuổi đi học thì cấp sách, vở, đồ dùng học tập, được hỗ trợ giáo dục, đào tạo và tạo việc làm…  

Mới đây, Ban cán sự Đảng-UBND thành phố cũng đã đề xuất xây dựng Nghị quyết về nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội và một số chính sách trợ giúp xã hội khác, đã được Ban Thường vụ Thành uỷ nhất trí với các mức trợ cấp, trợ giúp khá cao.

Tuy vậy, trong bối cảnh chi tiêu hiện nay, khi giá điện, xăng, thực phẩm đều có xu hướng tăng thì mức hỗ trợ trên còn là thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của đối tượng được trợ cấp.

Nhìn rộng ra thì có nhiều địa phương trong cả nước đã ban hành chính sách riêng để mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, tăng mức trợ cấp xã hội, tăng mức hỗ trợ mai táng phí… cao hơn mức chuẩn quy định của trung ương.

Cụ thể, thành phố Hồ Chí Minh ban hành mức chuẩn trợ giúp xã hội là 380.000 đồng, tăng cao hơn mức chuẩn của quốc gia 41%; thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh là 350.000 đồng, cao hơn chuẩn quốc gia là 30%; tỉnh Bình Dương là 340.000 đồng, cao hơn chuẩn quốc gia 26%; tỉnh Đồng Nai là 300.000 đồng cao hơn chuẩn quốc gia 11%...

Riêng Quảng Ninh, cùng với việc tăng mức chuẩn trợ cấp thì đối với một số đối tượng, tỉnh còn điều chỉnh tăng ở mức cao như đối tượng được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ được trợ cấp 500.000 đồng/tháng/người, cao hơn mức chuẩn quốc gia 85%; nâng mức hỗ trợ mai táng phí từ 6 đến 9 triệu đồng/người, cao hơn mức chuẩn quốc gia 11%...

Không chỉ Quảng Ninh mà Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu… cũng đều mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng như trẻ em mồ côi bố hoặc mẹ nhưng người còn lại không có nguồn nuôi dưỡng thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên mà không có khả năng lao động, người bệnh nặng, ốm đau thường xuyên, mắc bệnh hiểm nghèo (được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận) không có khả năng lao động…

Đối với Hải Phòng, đến nay thành phố chưa có chính sách riêng về thực hiện các chính sách xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội. Hiện thành phố vẫn đang áp dụng mức trợ giúp xã hội theo chuẩn của trung ương là 270.000 đồng/tháng/người.

Là thành phố đô thị loại I trực thuộc trung ương, đặc biệt những năm gần đây Hải Phòng có tốc độ tăng trưởng GRDP khá cao, gấp hai lần so với mức tăng trưởng trung bình của cả nước.

Tiếp đến, nguồn thu ngân sách của thành phố cũng được cải thiện khá nhiều. Tăng trưởng kinh tế sẽ tạo thêm nhiều nguồn lực để thành phố thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách trợ giúp xã hội nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn… được hỗ trợ kịp thời, cải thiện cuộc sống cả về vật chất, tinh thần.

Việc xây dựng chính sách xã hội riêng của thành phố nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố đối với các đối tượng bảo trợ xã hội và người dân có hoàn cảnh khó khăn góp phần tích cực hỗ trợ công tác xoá đói giảm nghèo bền vững. Đồng thời, thể hiện rõ sự phát triển KTXH của thành phố trong thời gian qua, tương xứng với vị thế của thành phố đô thị loại I cấp quốc gia.

Theo đề nghị của Ban cán sự Đảng UBND thành phố thì nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức chuẩn quốc gia, áp dụng cho tất cả các đối tượng trợ cấp xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013, mức cao nhất là 430.000 đồng cho giai đoạn 2021-2025 và người cao tuổi đủ 75 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu và trợ cấp của nhà nước ở vùng núi, hải đảo; nâng mức hỗ trợ mai táng phí khi chết đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng từ 25 đến 30 lần mức chuẩn trợ cấp xã hội, chia giai đoạn từ 2020 đến 2025.

Kim Oanh 

      

  

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông