Theo nhận định của Đài Tiếng nói nước Nga, những biến động chính trị tại Libya có thể dẫn đến gây chia rẽ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO). Mỹ và Anh cho thấy họ sẽ thực thi một giải pháp quân sự, trong khi các nước khác nói "phải cân nhắc kỹ".
| Tàu chiến Mỹ tiến vào Địa trung hải |
Hiện nay có hai quốc gia ủng hộ can thiệp quân sự vào Libya là Mỹ và Anh. Ngày 1-3, Lầu Năm Góc đã lệnh cho tàu đổ bộ tấn công của nước này là USS Kearsarge, chở theo hàng trăm lính thủy đánh bộ, cùng hai tàu hải quân khác hướng tới Libya. Sau đó một ngày, hai tàu chiến USS Kearsarge và USS Ponce chở lính thủy đánh bộ và thiết bị của Mỹ đã tiến vào Địa Trung Hải. Dự kiến đội tàu này sẽ đến Vịnh Souda thuộc đảo Crete của Hy Lạp - nơi gần với Libya, trong sáng nay (4-3).
Trước đó, ngày 2-3, Thủ tướng Anh David Cameron yêu cầu các tướng lĩnh lên kế hoạch cho chiến dịch tại Libya. Ông Cameron giải thích vùng cấm bay là cách để bảo vệ người biểu tình Libya trước mối lo ngại đại tá Gadhafi có thể sử dụng không quân để chống lại họ. Một số nguồn tin cho biết, Anh đã điều chuyển các máy bay chiến đấu Typhoon tới căn cứ trên đảo Síp, một dấu hiệu cho thấy Anh đang chuẩn bị cho kế hoạch dự phòng can thiệp quân sự vào Libya. Hiện các đặc nhiệm Anh đã có mặt ở Libya nhưng dưới vai trò giải cứu hàng trăm công nhân nước ngoài làm việc trong lĩnh vực dầu mỏ bị mắc kẹt.
Đề cập đến tin đồn đang rộ lên về việc NATO chuẩn bị đánh Libya, Tổng thư ký NATO- ông Anders Fogh Rasmussen khẳng định, liên minh này không có bất kỳ kế hoạch can thiệp quân sự nào vào đất nước bất ổn Libya. Người phát ngôn NATO, bà Oana Lungescu thì nhấn mạnh việc thiết lập bất cứ vùng cấm bay nào ở Libya cũng cần được Liên hợp quốc phê chuẩn. Tại cuộc họp báo ở Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng thừa nhận không có đồng thuận bên trong NATO liên quan đến việc sử dụng vũ lực.
Một số nước NATO cũng tỏ ra không sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với Mỹ trước hậu quả mà các hoạt động quân sự tại Libya có thể gây ra. Đặc biệt, Đức đã tế nhị bày tỏ để đối tác bên kia bờ đại dương hiểu rằng, cho đến lúc này vẫn chưa hết hẳn các phương pháp giải quyết xung đột. Pháp cũng thể hiện quan điểm tương tự.
Trong bối cảnh hiện tại, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng rõ ràng phản đối sự can thiệp quân sự nước ngoài vào Libya. Theo ông Lavrov, vấn đề đất nước này, cũng như các quốc gia khác ở Bắc Phi và Trung Đông, phải do chính dân tộc họ giải quyết, không có sự ép buộc từ bên ngoài, thông qua các cuộc đối thoại trong nước và sự đồng thuận của cả xã hội.
Các nhà ngoại giao Liên đoàn các nước ẢRập cũng ra tuyên bố tổ chức này chống lại bất cứ hình thức can thiệp nào của nước ngoài vào Libya. Quan điểm này được khẳng định hôm 2-3 tại Cairo, nơi 22 nước thành viên Arập họp để thảo luận về những xáo trộn tại Libya.
Phát biểu trên truyền hình ngày 2-3, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi cảnh báo "cuộc chiến sẽ kéo dài, rất dài" nếu có bất kỳ sự can thiệp nào của bên ngoài. Ông Gadhafi nói: "Nếu Mỹ hoặc phương Tây muốn vào Libya, họ phải biết đây sẽ biến thành địa ngục, một cuộc tắm máu - sự tàn sát còn tồi tệ hơn ở Iraq. Hàng nghìn người sẽ chết"
VIỆT ANH (tổng hợp) |