NATO không đưa bộ binh vào Libya

16:21 08/06/2011

Trong hai ngày 8 và 9-6, các bộ trưởng quốc phòng phương Tây sẽ đánh giánhững kết quả đạt được của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong chiến dịch không kích Libya và thảo luận về công tác chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu Gaddafi.
Trong hai ngày 8 và 9-6, các bộ trưởng quốc phòng phương Tây sẽ đánh giánhững kết quả đạt được của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong chiến dịch không kích Libya và thảo luận về công tác chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu Gaddafi.

Máy bay trực thăng tấn công Apache tham chiến tại Libya
Máy bay trực thăng tấn công Apache tham chiến tại Libya

Tổng thư ký NATO Andreas Rasmussen ngày 6-6 cho biết kể từ khi nhận nhiệm vụ chỉ huy lực lượng liên quân quốc tế thực thi Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), NATO luôn giữ tần suất hoạt động cao với tổng cộng trên 10.000 lượt xuất kích và đã phá hủy 1.800 mục tiêu quân sự của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Ông Rasmussen nói rằng chính những cuộc oanh kích chính xác của NATO vào các mục tiêu là những trung tâm chỉ huy và kiểm soát, các kho vũ khí, xe tăng… đã làm cho lực lượng của ông Gaddafi suy yếu và mất dần quyền kiểm soát trên toàn lãnh thổ Libya.

Ông Rasmussen khẳng định chế độ Gaddafi vẫn là mối đe dọa, do đó, NATO tiếp tục gia tăng áp lực quân sự và xác định sẽ tiếp tục chiến dịch của mình chừng nào có thể. Ông nhấn mạnh NATO sẽ tiếp tục các chiến dịch không kích ở Libya cho tới khi đạt mục đích nói trên và “thực thi đầy đủ” nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, ông khẳng định NATO sẽ không cử bộ binh tới Libya mặc dù trước đó đã điều thêm máy bay trực thăng tấn công Apache tham chiến tại nước này.

Cùng ngày 6-6, Ngoại trưởng Anh William Hague đã tới thành phố Benghazi gặp các thủ lĩnh lực lượng nổi dậy sau khi NATO lần đầu tiên huy động máy bay trực thăng tới tham chiến tại Libya. Ông Hague thừa nhận rằng chiến dịch của NATO đang “được tăng cường” và chưa biết khi nào kết thúc, có thể trong vài ngày, vài tháng nữa hoặc kéo dài đến cuối năm nay. Ông biện hộ cho việc sử dụng máy bay trực thăng, song loại trừ việc đưa các lực lượng bộ binh tới Libya.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích việc Anh và Pháp đem máy bay trực thăng tới tham chiến, đồng thời kêu gọi một giải pháp cho cuộc xung đột này thông qua đàm phán. Phó thủ tướng Nga Sergei Ivanov cũng cho rằng việc sử dụng máy bay trực thăng là vi phạm nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ nhằm thiết lập vùng cấm bay tại Libya. Quan điểm của Nga hiện nay là không chấp nhận chiến dịch quá đà của NATO nhưng đồng ý rằng ông Gaddafi phải ra đi. Được biết, hôm qua (7-6), đặc phái viên của Nga Mikhail Margelov đã tới gặp thủ lĩnh lực lượng chống đối ở thành phố Benghazi, thực hiện vai trò trung gian hòa giải của Nga nhằm đạt một thỏa thuận ngừng bắn tại Libya.

Liên quan đến chi phí quân sự tại Libya, tờ Daily Mail của Anh đưa tin cho hay chỉ trong vòng hai tuần qua, Anh đã chi gần 75 triệu bảng Anh (khoảng 123 triệu USD) cho cuộc chiến chống quân của Tổng thống Gaddafi. Số tiền khổng lồ này đang vượt quá mức “hàng chục triệu” USD mà Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne dự toán về cuộc xung đột ở Libya hồi tháng 3. Trong bối cảnh hai bên tiếp tục giằng co, NATO khó lòng có thể rút chân khỏi Libya. Một khi NATO còn tiếp tục phải chiến đấu ở Libya thì các nước tham gia chính như Anh, Pháp, Italia… tiếp tục phải tốn thêm nhiều tiền của. 

VIỆT ANH (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông