Nền kinh tế Trung Quốc “soán ngôi” Nhật Bản

15:52 15/02/2011

Nhật Bản đã mất vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới vào tay Trung Quốc.
Nhật Bản đã mất vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới vào tay Trung Quốc.

Thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc
Thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc

Sáng 14-2 theo giờ HN, tại Tokyo, Văn phòng Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu về tổng sản phẩm quốc nội trong quý IV và trong cả năm 2010. Theo đó, nền kinh tế Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý IV/2010 giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản đã phải nhường vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho Trung Quốc trong năm 2010. Như vậy, sau hơn 40 năm giữ ngôi vị “á quân” (sau Mỹ), nền kinh tế Nhật Bản đã lùi xuống hàng thứ ba.

Tính cả năm 2010, GDP của Nhật Bản tăng trưởng 3,9%, đạt 5.474 tỷ USD, còn GDP của Trung Quốc ước đạt 5.8799 tỷ USD. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá kinh tế Nhật Bản dự kiến tăng trưởng khoảng 2,8% trong năm 2010, trong khi mức tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ ở mức mạnh mẽ hơn nhiều, vào khoảng 10%. Với tốc độ tăng trưởng hiện thời, giới phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới trong vòng một thập niên nữa.

Mặc dù thoát khỏi suy thoái trong năm 2009, song sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản vẫn yếu ớt do tình trạng giảm phát, nợ công cao, nhu cầu nội địa thấp, xuất khẩu giảm và giá đồng yen tăng. Ngoài ra Nhật Bản phải đối phó với tác động của tình trạng dân số bị già hóa trong lúc nhu cầu tiêu dùng thấp. Mười năm qua được đánh giá là “thập niên thua lỗ” của nền kinh tế Nhật Bản. Tại thời hoàng kim (thập niên 80 của thế kỷ trước), nền kinh tế Nhật tăng trưởng hơn 7% mỗi năm. Đến thập niên 1990, bong bóng xì hơi trong thị trường chứng khoán và bất động sản. Giá đất trở nên phi thực tế và chính phủ đã phải cố gắng tìm lối thoát, nợ nần tăng vọt và hiệu quả sản xuất của nền kinh tế thực sự bị ảnh hưởng.

Ngược lại, sự tăng trưởng của Trung Quốc phần lớn nhờ vào việc ngành sản xuất được rót quỹ đầu tư và việc các ngành công nghiệp trong nước cũng như cơ sở hạ tầng được mở rộng. Điều này khiến cho mảng xuất khẩu tăng mạnh sau khi Trung Quốc trở thành một trung tâm sản xuất cho các thương hiệu đa quốc gia muốn hưởng lợi từ nhân công giá rẻ và từ việc các tuyến đường bộ, đường sắt được mở rộng. Cùng lúc, đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc cũng tăng, khiến giá cổ phiếu và bất động tài sản tăng theo.

Tuy nhiên, hầu hết các kinh tế gia đồng ý rằng nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng, và nhìn chung người dân khấm khá hơn, nhưng việc chỉ so sánh quy mô kinh tế nước này với Nhật Bản sẽ không đem lại một bức tranh đầy đủ, chính xác. Sự khác biệt dễ thấy là GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc là khoảng 4.500 USD, nhưng ở Nhật Bản, con số này vào khoảng 40.000 USD một người. Thực tế cho thấy, hầu hết người dân Trung Quốc vẫn còn nghèo, nhiều người sống ở nông thôn hơn ở các thành phố. Người dân trung bình ở Nhật Bản thì giàu có hơn nhiều so với người dân trung bình ở Trung Quốc.


VIỆT ANH (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích