Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 1-4đã cam kết mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Mỹ và Nga, đồngthời đặt nền móng cho vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân vốn bất đồng từlâu giữa hai nước.
| Tổng thống Mỹ tiếp người đồng cấp Nga tại Đại sứ quan Mỹ ở London |
Cuộc gặp trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại London được coi là phép thử nghiệm đầu tiên đối với ông Obama, người đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị là tổng thống Mỹ. Ông và Ngoại trưởng Hillary từng nhấn mạnh rằng sẽ dùng đến các phương pháp tiếp cận mang tính ngoại giao giống như trong kinh doanh để giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Mỹ và Nga. Nhà Trắng cũng đã gạt sang một bên những chỉ trích của giới bảo thủ Mỹ cho rằng ông Obama quá sẵn lòng nhượng bộ với Nga.
Về phía Nga, ông Medvedev đã từng phát biểu trên tờ Washington Post rằng Mỹ và Nga nên xây dựng lại quan hệ vì không bên nào có thể giữ thái độ "thụ động và hờ hững" đối với quan hệ song phương.Nhà lãnh đạo Nga hoan nghênh ý định của ông Obama là để lại đằng sau những gì mà Moscow coi là cách thức tiếp cận mang tính đối đầu của Mỹ trong vài năm qua. Ông Medvedev đã ca ngợi lá thư của ông Obama gửi tới trong đó nêu bật những vấn đề quốc tế ưu tiên trùng hợp với suy nghĩ của ông Medvedev.
Theo thông cáo chung đưa ra sau cuộc gặp trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại London (Anh), Mỹ và Nga thỏa thuận bắt đầu cuộc đàm phán liên chính phủ về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược và ký hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) trước tháng 12-2009, thời điểm START-I hết hiệu lực. Hiệp ước START-I ký năm 1991 và có hiệu lực đến 5-12-2009, quy định trong vòng 7 năm Nga và Mỹ phải giảm số đầu đạn hạt nhân của mỗi nước xuống còn 6.000 đơn vị, còn các vật mang vũ khí hạt nhân giảm xuống còn 1.600 đơn vị.
Tại cuộc gặp, hai tổng thống Nga và Mỹ đã nhất trí thúc đẩy mục tiêu lâu dài về một thế giới "phi hạt nhân". Hai bên bày tỏ sự lo ngại về khả năng CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo và kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế, không thực thi những hành động có hại cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Về vấn đề hạt nhân của Iran, hai ông công nhận Iran có quyền phát triển "chương trình hạt nhân dân sự", song kêu gọi Tehran hợp tác với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và chứng minh chương trình hạt nhân của mình là "hoàn toàn vì mục đích hoà bình".
Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev còn thảo luận nhiều vấn đề khác từng gây căng thẳng giữa hai nước, như kế hoạch Mỹ dự định triển khai một phần hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) ở Đông Âu mà Mátxcơva vốn phản đối kịch liệt. Hai bên thừa nhận vẫn còn một số bất đồng về mục đích của kế hoạch này, song cam kết sẽ thảo luận về những khả năng mới nhằm phối hợp hành động quốc tế trên cơ sở bình đẳng trong lĩnh vực này.
Tổng thống Nga và Mỹ đều tỏ ý hài lòng về kết quả cuộc gặp và lạc quan vào một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Nga-Mỹ. Ông Obama cho biết sẽ thăm Nga vào tháng Bảy tới và ủng hộ Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Còn giới quan sát nhận xét, sau buổi hội kiến và tuyên bố chung thành công với người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Medvedev đang ngày càng củng cố quyền lực của mình trong điện Kremlin.
VIỆT ANH (tổng hợp) |