Ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ từ gas

14:50 07/11/2021

Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Bộ Công an, 9 tháng năm 2021, toàn quốc xảy ra 1.723 vụ cháy, trong đó có 578 vụ cháy xảy ra tại nhà dân. Một trong những nguyên nhân trực tiếp gây cháy nhà dân là do sơ suất, bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, trong đó có việc sử dụng gas.

 

CBCS Đội Cảnh sát PCCC&CNCH CAQ Lê Chân hướng dẫn cách không chế ngọn lửa khi có sự cố cháy xảy ra

* Hiểm họa cháy, nổ từ gas luôn rình rập

Hiện nay, phần lớn các hộ gia đình đều có 1 bình gas (loại 12kg) trong nhà để nấu ăn. Với các nhà hàng, quán ăn, số lượng bình gas này sẽ nhiều hơn. Chính các bình gas nói trên có thể trở thành hiểm họa cháy, nổ nếu chẳng may khí gas bị rò rỉ hoặc người dùng quên tắt lửa sau khi nấu ăn. Đặc biệt với các gia đình có người lớn tuổi, trẻ em thì việc để quên lửa trên bếp rất dễ xảy ra.

Chị T.T.M, ở quận Lê Chân cho biết, gia đình chị suýt gặp họa vì bếp gas. Khi đi chợ về, chị ngửi mùi gas nồng nặc trong nhà. Chị vội mở toang hết cửa cho khí gas thoát ra ngoài. Sau này mới biết nguyên nhân là do con trai của chị sơ ý tắt bếp gas chưa hết, tắt lửa nhưng khí gas vẫn còn xì ra ngoài. “Nếu tôi không về kịp, chẳng may con trai tôi vô tình bật bếp gas hay bật công tắc điện thì không biết sẽ nguy hiểm như thế nào. Tới giờ nghĩ đến mà tôi còn run” - chị M. nói.

Thực tập phương án PCCC&CNCH

Qua tìm hiểu được biết, việc sang chiết gas trái phép (nhất là các bình gas mini) ngày càng tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Thời gian qua, cục Quản lý thị trường thành phố cùng các ngành chức năng đã tổ chức các đợt ra quân kiểm tra hoạt động kinh doanh gas, đặc biệt chú trọng kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Với các trường hợp tái phạm nhiều lần, đơn vị sẽ đề nghị cơ quan quản lý rút giấy phép kinh doanh.

Mới đây, vào 23h52’ ngày 22-10, tại nhà số 7, dãy nhà số 5, thuộc ngõ 411 đường Thiên Lôi, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, bất ngờ bốc cháy dữ dội. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan công an xác định do nổ khí gas.  Ngọn lửa bùng phát ngay sau tiếng nổ lớn phát ra từ tầng 1 của ngôi nhà 3 tầng có diện tích khoảng 50m2, khu vực cháy khoảng 5m2, làm hỏng cửa ra/vào nhà và làm 1 người bị thương.

Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP cho biết: “Bình gas không thể phát nổ trừ khi có khí gas rò rỉ và tác động của tia lửa. Khi đó thực chất thứ bị nổ chính là khí gas bên trong chứ không phải bình gas. Với các trường hợp nổ khí gas gây sập đổ công trình là do sự ngưng tụ khí gas trong một không gian kín nhất định và khi có tác động từ tia lửa do các nguồn lửa hoặc tia lửa điện rất nhỏ phát ra khi bật công tắc cũng khiến khí gas phát nổ, tạo sức công phá lớn”.

Hiện trường 1 vụ cháy

Nguy cơ cháy, nổ không chỉ đến từ những bình gas loại lớn mà còn cả bình gas mini thường dùng cho các bữa tiệc. Bình gas mini vốn được sản xuất để dùng một lần nhưng thực tế lại thường xuyên được nạp gas (trái phép) và đưa vào sử dụng nhiều lần. Dù lượng khí gas trong các bình này không nhiều nhưng do vỏ bình mỏng, sự cố lại xảy ra ngay khi đang có bếp nóng, nhiều người tụ tập xung quanh nên dễ gây tai nạn thương tích cho những người gần đó.

* Để an toàn khi dùng gas tại nhà

Theo chủ một cửa hàng kinh doanh gas tại đường Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, các bình gas hiện đều có van an toàn hoạt động tự động nên việc người dùng quên khóa van gây thoát khí là rất hiếm. Tuy nhiên, sự cố có thể xảy ra nếu các van này bị hỏng hoặc có các vết nứt tại các điểm nối bình gas với bếp hoặc trên đường ống dẫn tới rò rỉ khí gas.

Các em học sinh tham gia thực hành xử lý chữa cháy bình gas

Để hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ từ khí gas, Phòng Cảnh sát PCCC &CNCH CATP cùng Công an các quận, huyện đã thường xuyên tuyên truyền vấn đề này tại các khu dân cư. Trong đó nhấn mạnh đến các nguy cơ có thể gây rò rỉ khí gas và cách nhận biết, phòng tránh và xử lý an toàn. Riêng với các cửa hàng kinh doanh ăn uống, nhà hàng lớn, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra định kỳ và khuyến cáo cụ thể hơn đối với những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao.

Phòng Cảnh sát PCCC &CNCH khuyến cáo: “Người dân cần thường xuyên tự kiểm tra bếp gas, bình gas tại nhà. Nhất là ngay sau khi lắp, thay bình gas, người dân cần yêu cầu nhân viên kiểm tra độ kín của các khớp nối giữa đường ống dẫn gas với bếp, van và bình gas. Đặc biệt cần khóa van bình gas ngay sau khi sử dụng và không đốt nhang khu vực bếp khi ra khỏi nhà, đề phòng khí gas rò rỉ bén lửa bùng cháy”.

Để an toàn khi sử dụng bình gas tại nhà, người dân không nên dùng bếp quá cũ, có các vết gỉ sét và phải sửa chữa, thay thế ngay khi hư hỏng. Đặc biệt chú ý cần sử dụng bình gas mini mới phải còn tem, niêm phong có xuất xứ rõ ràng; không dùng bình sang chiết lại, bình cũ đã gỉ sét, bị biến dạng vì lớp vỏ mỏng sẽ dễ hình thành vết nứt nhỏ làm thoát khí gas gây cháy, nổ.

Hiện nay, trên thị trường có các thiết bị cảm biến báo động rò rỉ khí gas hoặc các bóng chữa cháy, các gia đình có thể tự lắp đặt tại khu vực bếp, gần các bình gas. Khi xảy ra sự cố rò rỉ khí gas, thiết bị cảm biến sẽ báo động để cảnh báo người trong nhà; bóng chữa cháy có thể tự động xử lý bước đầu đám cháy do khí gas vừa thoát ra. Tuy nhiên, khi sự cố cháy vừa được phát hiện và dập tắt, vẫn cần phải có người khóa van, đưa bình gas ra ngoài, đến khu vực thoáng đãng, an toàn.

Thái Bình

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông