Ngành dệt may hướng tới mục tiêu 40 tỷ USD xuất khẩu

20:55 05/03/2019

Với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, tăng 5 tỷ USD (16,36%) so với năm 2017, năm 2018 được coi là một năm thành công của ngành dệt may Việt Nam. Những kết quả trên đã tạo đà thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam hướng tới mục tiêu 40 tỷ USD xuất khẩu trong bối cảnh thị trường thế giới còn tiềm ẩn không ít khó khăn, thách thức…

Với chiến lược đúng đắn và bước đi bài bản, năm 2018, mặc dù ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh rất cao, tổng cầu thế giới về dệt may tăng rất ít.

Ngoài ra, những ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại thế giới gia tăng, đặc biệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ảnh hưởng không nhỏ tới chiều hướng của thị trường dệt may trong khi các quốc gia xuất khẩu dệt may đều đang cố gắng giữ thị phần.

Mặc dù vậy, ngành dệt may nước ta vẫn đạt được kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, tăng tới 5 tỷ USD (16,36% - bằng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2007) so với năm 2017, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong mấy năm gần đây. Trong đó dệt may Hải Phòng đóng góp 477,6 triệu USD, tăng 34,07% so với năm 2017. 

Điều đáng nói sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu dệt may tại các quốc gia xuất khẩu dệt may chính trên thế giới chỉ tăng trưởng rất thấp. Trong đó Trung Quốc tăng 3,3% so với năm 2017; Ấn Độ giảm 2,04%; Bangladesh giảm 3,7%; Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan tăng nhẹ, lần lượt tăng 7,79% và 5,41%; Campuchia tăng 8,2%...

Bên cạnh việc giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Dệt may Việt Nam còn đạt mức tăng trưởng rất cao tại thị trường Hàn Quốc với 26-27%. Đặc biệt, dệt may Việt Nam đã bứt phá xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, vốn là thủ phủ của dệt may thế giới.

Tiếp nối đà thuận lợi của năm 2018, những tháng đầu của năm 2019 dệt may vẫn đạt được những kết quả khả quan. Theo Tổng cục thống kê, so với cùng kỳ năm trước, mặc dù kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1 giảm 1,3% với một số mặt hàng xuất khẩu kim ngạch giảm như Điện thoại và linh kiện đạt 2,9 tỷ USD, giảm 27,5%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,3 tỷ USD, giảm 5%; máy ảnh, máy quay phim đạt 450 triệu USD, giảm 9,1%.

Tuy nhiên, trong bức tranh toàn cảnh ấy vẫn nổi lên một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng như dệt may đạt 2,7 tỷ USD, tăng 6,7%; giày dép đạt 1,6 tỷ USD, tăng 12,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 15,2%... so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn với hàng dệt may tăng 23,9%.

Công nhân may mặc gia công hàng xuất khẩu tại Kiến Thụy

Tại Hải Phòng, kim ngạch xuất hàng dệt may tháng 1 đạt 28,6 triệu USD, giảm 2,74%. Theo phân tích của Cục Thống kê thành phố, sở dĩ có sự sụt giảm nhẹ bởi lý do khách quan các đối tác bên Hồng Kông và Trung Quốc của Công ty TNHH may Regina Miracle tại khu công nghiệp Vsip Hải Phòng - doanh nghiệp chiếm 65% tổng giá trị toàn ngành có lịch nghỉ tết dài ngày nên các đơn đặt hàng trong tháng 1 sụt giảm.

Bước sang năm 2019, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế: Thế giới tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường. Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung chưa đi đến hồi kết còn nhiều ẩn số, những điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu dệt may thế giới.

Hơn nữa, một trong những rủi ro mà Việt Nam có thể phải đối mặt trong năm 2019 là lãi suất tăng tác động đến tỷ giá và dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển từ khu vực lãi suất thấp sang khu vực có lãi suất cao. Do đó tổng cầu của thị trường thế giới sẽ giảm và áp lực sẽ chuyển sang lãi suất tiền vay.

Tuy nhiên, trong thách thức luôn có cơ hội. Lợi thế dành cho Việt Nam đến từ CPTPP với hai thị trường xuất khẩu dệt may tiềm năng trị giá 20 tỷ USD của Canada và 40 tỷ USD của Úc. Việt Nam hiện mới chỉ có 4-5% từ các thị trường này. Nếu diễn biến tốt, 6 tháng cuối năm 2019 sẽ có thêm thị trường EU, từ đó có thể tăng thêm khoảng 1 tỷ USD.

Chính vì thế đứng trong phương án giữ được các thị trường xuất khẩu chính ổn định, hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực, tận dụng tốt CPTPP, ngành dệt May Việt Nam vẫn có khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019.

Bùi Hạnh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông