10:24 04/05/2019 Tính từ ngày 29-4 đến hết ngày 1-5, đúng 5 ngày nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thiết yếu được đẩy lên cao trào do tác động của chuỗi những ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên, mức độ nhộn nhịp của thị trường năm nay kém hẳn so với cùng thời điểm những năm trước, dù vẫn có tình trạng tăng giá, khan hàng cục bộ..,
Rau có lá nguồn cung tốt nhưng tăng giá khá cao mấy ngày nghỉ lễ
Trong khoảng 1 tuần trước dịp nghỉ, nguồn hàng từ nhiều nơi được tập trung về nội thành, giá bắt đầu tăng do 2 yếu tố tác động đồng thời: ngày khai hội vụ mùa du lịch hè và bắt đầu chuỗi 5 ngày nghỉ liên quan đến dịp lễ. Mặt hàng đầu tiên tăng là hoa quả, với mức bình quân trên 10% chỉ trong một ngày, cụ thể như dưa hấu từ 12 nghìn đồng lên 175 nghìn đồng/kg; cam đường từ 30 nghìn đồng lên 35 nghìn đồng/kg; vú sữa từ 45 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng/kg, táo TQ từ 40 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng/kg; xoài Thái từ 30 nghìn đồng lên 35 nghìn đồng/kg; dứa từ 8 nghìn đồng lên 10 nghìn đồng/kg; nho đỏ TQ từ 75 nghìn đồng lên 85 nghìn đồng/kg… Đây là những loại hoa quả thông dụng nhất, được tiêu thụ tốt trên thị trường.
Tiếp đến là mặt hàng rau xanh, dù nguồn hàng dồi dào nhưng vẫn tăng giá đáng kể. Chẳng hạn những loại phải nhập nhiều từ ngoài Hải Phòng như bí đao tăng từ 8 nghìn đồng lên 12 nghìn đồng/kg; bầu từ 10 nghìn đồng lên 12 nghìn đồng/kg; khoai tây từ 13 nghìn đồng lên 15 nghìn đồng/kg; bắp cải từ 5 nghìn đồng lên 8 nghìn đồng/kg… đều tăng từ 20 đến 30%.
Còn nguồn cung từ các vùng trồng màu tại Hải Phòng, mức tăng nhẹ hơn nhưng chủ yếu là các loại khó vận chuyển và bảo quản, như muống từ 8 nghìn đồng lên 10 nghìn đồng/bó; dền – cải - đay – mồng tơi đều từ 7 nghìn đồng lên 9 nghìn đồng/bó; rau gia vị các loại từ 15 nghìn đồng lên 20 nghìn đồng/kg; mướp từ 5 nghìn đồng lên 7 nghìn đồng/quả, dưa chuột từ 10 nghìn đồng lên 12 nghìn đồng/kg…
Cùng với các mặt trên, nhóm thực phẩm từ nguồn động vật cũng tăng mạnh. Điển hình là các loại hải sản có quãng tăng kéo dài do nhu cầu tích trữ cấp đông, tập trung vào những loại đặc sản: mực lá từ 180 nghìn đồng lên 200 nghìn đồng/kg, mực ống từ 170 nghìn đồng lên 190 nghìn đồng/kg, ghẹ ngon từ 350 nghìn đồng lên 370 nghìn đồng/kg, cá song từ 280 nghìn đồng lên 310 nghìn đồng/kg, cá tầm từ 210 nghìn đồng lên 240 nghìn đồng/kg … các loại thuộc nhóm bình dân cũng tăng theo như ngao – sò lông từ 15 nghìn đồng lên 20 nghìn đồng/kg; trai nước ngọt từ 10 nghìn đồng lên 12 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên các loại tôm lại chững giá, như thẻ chân trắng vẫn được bán bình quân 220 nghìn đồng/kg, tôm rảo 200 nghìn đồng/kg, tôm bộp biển tươi 250 nghìn đồng/kg.
Riêng thịt lợn cơ bản không tăng giá, thậm chí mức tiêu thụ còn giảm. Trong khi đó gà ta nuôi vườn tăng từ 100 nghìn đồng lên 110 nghìn đồng/kg, gà ta nuôi công nghiệp từ 85 nghìn đồng lên 90 nghìn đồng/kg, gà công nghiệp lông trắng từ 30 nghìn đồng lên 35 nghìn đồng/kg, ngan từ 60 nghìn đồng lên 75 nghìn đồng/kg, trứng gà và vịt đều tăng bình quân 10%... Chưa kể nhiều loại thực phẩm khác không phải thiết yếu nhưng cũng tăng do tác động của dịp nghỉ lễ như mực khô, sái sùng khô tăng 10%, cá thu một nắng tăng tới 20%...
Thủy sản cũng tăng giá mạnh và khan hàng cục bộ
Đáng lưu ý là, diễn biến của các loại thực phẩm nêu trên hầu hết diễn ra tại khu vực chợ truyền thống, trong khi các siêu thị lại kém sôi động do nguồn hàng liên quan không phải là chủ lực. Một phần là giá niêm yết ở siêu thị luôn cao hơn bên ngoài, phần khác là phương thức phục vụ kém linh hoạt so với yêu cầu mua sắm dịp lễ.
Bởi lẽ lượng tiêu thụ trong đợt này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của khách hàng đi nghỉ mát, về quê hoặc hội ngộ, có tính chất tập thể nên việc mua sắm diễn ra nhanh chóng, khác hẳn với nhu cầu của các gia đình đơn lẻ. Cũng từ nguyên nhân này, nên mặc dù thời gian nghỉ kéo dài nhưng lượng khách đến các siêu thị cơ bản không tăng, thậm chí còn vắng so với những ngày nghỉ cuối tuần của những ngày thường, khi nhiều khách hàng không chọn siêu thị là điểm đến.
Điều cũng dễ nhận thấy là, lần đầu tiên trong những năm gần đây, không khí mua sắm đối với tất cả các mặt hàng tiêu dùng tại khu vực chợ truyền thống sôi động hơn các siêu thị. Theo khảo sát, trong đợt này các siêu thị tung ra nhiều chương trình khuyến mại, nhưng ngoài số ít những mặt hàng được quảng bá, lại có rất nhiều mặt hàng khác tăng giá. Quyết sách có tính hệ thống này dường như đã nhận phản ứng tiêu cực, trong bối cảnh nguồn tiền dành cho chi tiêu sinh hoạt ngày còn hạn hẹp.
Hơn nữa, lợi thế về nguồn gốc cũng như chất lượng hàng hóa mà các siêu thị vốn có đang mất dần, sau một thời gian thử thách niềm tin của khách hàng, chất lượng phục vụ (nhất là hậu mãi) kém đi… cùng với những yếu tố cạnh tranh trong hệ thống ngày càng khốc liệt.
Nhìn chung, kết thúc một đợt nghỉ kéo dài, về mặt vĩ mô thị trường đã đạt được kết quả là thúc đẩy đáng kể việc lưu chuyển hàng tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất để cải thiện tình hình kinh tế. Tuy nhiên, diễn biến này cũng chỉ mang tính cục bộ vì đây là thời điểm chuyển mùa, một số nhu cầu sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.
Dấu hiệu những ngày qua cho thấy, nhiều mặt hàng đã trở lại vạch xuất phát với cả nguồn cung, nguồn cầu và giá. Đây cũng là điều tích cực, phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của đa số người tiêu dùng có thu nhập thấp.
L.M.T
18:01 14/11/2024
10:46 07/07/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão