Tình hình tại khu vực biên giới tranh chấp gần ngôi đền cổ Preah Viheargiữa Campuchia và Thái Lan đã trở nên căng thẳng trong nhiều ngày quasau khi binh lính hai nước đã nhiều lần đấu súng tại đây.
| Đền Preah Vihear trên mỏm núi |
Các công trình thuộc cụm Đền Preah Vihear được bắt đầu xây dựng từ thế kỷ 9 cho đến tận thế kỷ 12 khi đế chế Khmer ở thời cực thịnh. Những tấm bản đồ của Siam (tên gọi cổ của Thái Lan) và do người Pháp đô hộ Campuchia vẽ từ thế kỷ 19 đều mô tả ngôi đền này thuộc đất Campuchia. Nhưng sang các thập kỷ sau đó, người Thái cho rằng các tấm bản đồ này không chính thức nên không có giá trị. Do ngôi đền nằm trên một vách đá dựng đứng cheo leo và rất khó tiếp cận từ phía Campuchia nên bắt buộc du khách phải đi từ phía cổng vườn quốc gia Khao Phra Viharn của Thái Lan.
Năm 1962, sau nhiều thập kỷ bất đồng, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã phán quyết ngôi đền thuộc về Campuchia, nhưng khu vực quanh ngôi đền rộng khoảng 4,6km2 chưa được phân định rõ ràng và trở thành một trong những "điểm nóng" trong quan hệ giữa hai nước. Thái Lan cũng chấp nhận Campuchia có chủ quyền với ngôi đền, nhưng cho phong toả hầu hết khu vực bao quanh khiến người Campuchia chỉ có thể tiếp cận cơ sở tôn giáo này từ một vách đá hiểm trở.
Tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia bùng phát mạnh vào năm 2001 khi quân đội Thái phong toả toàn bộ ngả đường dẫn vào đền Preah Vihear trong suốt hơn một năm. Căng thẳng sau đó leo thang vào tháng 7-2008, sau khi Campuchia thành công trong việc vận động Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận đền Preah Vihear là Di sản thế giới.
Tháng 4-2009, binh sĩ hai bên giao tranh tại biên giới gần ngôi đền khiến 2 lính Thái Lan thiệt mạng. Xung đột tái diễn vào cuối tuần trước sau khi toà án Campuchia kết án hai thành viên của một phong trào dân tộc Thái Lan vì tội hoạt động gián điệp. Phía Campuchia cho biết các vụ giao tranh từ ngày 4 đến ngày 7-2 đã làm hàng chục người của cả hai bên bị thương vong, trong đó có cả dân thường. Khoảng 10.000 dân làng của cả Campuchia và Thái Lan gần khu vực xảy ra đấu pháo đã phải đi sơ tán. Khu đền Preah Vihear cũng bị hư hại nghiêm trọng.
Trước những diễn biến mới căng thẳng tại khu vực biên giới với Thái Lan, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố nước này sẽ đề nghị Liên hợp quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới "một vùng đệm" tại khu vực biên giới gần khu đền Preah Vihear nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ mới giữa quân đội hai nước. Thái Lan thì phủ nhận việc tấn công ngôi đền và cáo buộc Campuchia đã biến một cơ sở tôn giáo thành căn cứ quân sự với vũ khí hạng nặng để bắn vào binh lính Thái Lan đồn trú trong các trạm gác trên lãnh thổ Thái Lan. Sáng 9-2, Bộ Ngoại giao Campuchia đã cực lực bác bỏ cáo buộc này.
Hội đồng Bảo an LHQ đã bác bỏ đề xuất của Thủ tướng Campuchia về việc triệu tập họp khẩn cấp vì vụ tranh chấp đền Preah Vihear. Chủ tịch hội đồng Maria Luiza Ribeiro Viotti tuyên bố, vấn đề này nên được giải quyết ở cấp khu vực. ASEAN thì kêu gọi hai nước đàm phán có thể với sự giúp đỡ của hiệp hội mà cả hai nước đều là thành viên này. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa (nước giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN) nêu rõ Thái Lan và Campuchia cần giải quyết cuộc tranh chấp biên giới thông qua đàm phán song phương. Ngoại trưởng Mati nhấn mạnh ASEAN và các nước thành viên ủng hộ nỗ lực và cách tiếp cận song phương đó.
VIỆT ANH (tổng hợp) |