Được kỳ vọng sẽ đem lại sự thay đổi cho các khu ổ chuột trên toàn cầu, "Ngôi nhà toàn cầu" đáp ứng đầy đủ các yêu cầu với kết cấu bền chắc, rẻ và đặc biệt rất thân thiện với môi trường vì được làm bằng giấy.
Theo một báo cáo của LHQ hồi năm 2007, trong 50 năm qua, dân số thế giới sống tại các khu ổ chuột ở các thành phố đã tăng từ 35 triệu lên hơn 1 tỷ người và con số này có thể sẽ tăng gấp đôi trong vòng 30 năm tới. Khoảng 72% dân số đô thị ở châu Phi sống trong các khu ổ chuột, trong đó riêng khu Kibera ở Kenya đã có 1 triệu người. Họ phải sống trong những căn nhà rách nát, môi trường bị ô nhiễm nặng nề với rác thải ngổn ngang, nhà vệ sinh tạm bợ, nước sinh hoạt thiếu thốn, mất vệ sinh trầm trọng.
Và nay, dự án "Ngôi nhà toàn cầu" của trường Đại học Bauhaus tại thành phố Weimar, CHLB Đức được kỳ vọng sẽ đem lại sự thay đổi cho các khu ổ chuột trên toàn cầu. "Ngôi nhà toàn cầu" đáp ứng đầy đủ các yêu cầu với kết cấu bền chắc, rẻ và đặc biệt rất thân thiện với môi trường vì được làm bằng giấy. Chủ nhiệm dự án là kỹ sư Gerd Niemoller, người sáng chế vật liệu làm nhà từ giấy cạc-tông và giấy báo tái chế.
Kỹ sư Gerd Niemoller cho biết vật liệu của ngôi nhà có kết cấu tương tự tổ ong, vốn được sử dụng trong chế tạo máy bay, du thuyền siêu tốc và những sản phẩm đòi hỏi yếu tố vừa nhẹ vừa chắc. Ngoài ra, vật liệu này còn có khả năng cách điện hoàn hảo, rất mềm dẻo nên còn phù hợp với các cư dân sống trong khu vực luôn bị đe dọa bởi động đất. Ông sử dụng giấy cạc-tông và giấy báo ngâm trong nhựa thông rồi xử lý nhiệt và áp suất để tạo nên tấm ván mỏng, nhẹ hình tổ ong nhưng vô cùng bền chắc. Công nhân chỉ việc lắp ghép những tấm này thành một ngôi nhà hoàn chỉnh, thay thế cho những túp lều lợp tôn ọp ẹp
Sau khi ghép xong, căn nhà có giường đôi và giường đơn, mái hiên cạnh bên là khoảng không khép kín dùng làm nhà tắm và toilet. Ngoài ra, nhà còn có kệ, một cái bàn và vài băng ghế. Ngôi nhà rộng 36 m2 với tổng trọng lượng chỉ 800 kg này có thể được cất ở bất kỳ nơi đâu vì nó rất dễ lắp ráp, thân thiện môi trường, chịu được địa chấn. Nếu không tính phần móng thì toàn căn nhà chỉ nặng khoảng 400 kg. Mặc dù khá nhẹ nhưng "Nhà thế giới cho mọi người" khó có thể bị gió thổi bay. Tuy nhiên, nhược điểm của vật liệu này là tính bắt lửa có nó khá cao.
Vấn đề được nhiều người quan tâm đó là giá cả của "Ngôi nhà toàn cầu". Kỹ sư Niemoller cung cấp một con số hết sức ấn tượng đó là một căn nhà có diện tích 36m² có giá trị không vượt quá 5.000 USD (87,4 triệu đồng), tức là rất phù hợp cho những gia đình có thu nhập thấp.
Được biết, mẫu thiết kế "Ngôi nhà toàn cầu" đã được thử nghiệm tại một số khu ổ chuột nghèo nhất ở Nam Phi và đã đem lại thành công đáng kể. Hiện nay, tổ chức cứu trợ World Vision của Đức đang lên kế hoạch xây dựng khu dân cư nhà giấy kiểu này cho những người dân "chạy trốn" đại dịch tả đang hoành hành ở Zimbabwe. Một đơn đặt hàng 2.400 căn nhà cũng đã được gửi đến kỹ sư Niemoller từ Nigeria. Ngoài ra chính phủ Angola cũng đang đặc biệt quan tâm đến kiểu nhà này.
VIỆT ANH (tổng hợp) |