Nhật ký cảm động của một cảnh sát Nhật gốc Việt

20:55 19/03/2011

Tiến sĩ Hà Minh Thành, 56 tuổi, công tác tại Ban điều tra tội phạm quốc tế - Sở cảnh sát tỉnh Saitama, Nhật Bản. Ông định cư tại Nhật hơn 30 nămqua và có vợ là người bản địa. Hiện ông và con gái (một y tá Nhật) đanglàm nhiệm vụ tại thành phố Fukushima - nơi gánh chịu trải qua thảm hoạ sóng thần và nổ nhà máy điện hạt nhân. PV báo ANHP đã liên hệ với Tiến sĩ Thành và con gái ông, được ông đồng ý cho sử dụng trích đoạn ghi lại công tác cứu hộ ở Fukushima...
Tiến sĩ Hà Minh Thành, 56 tuổi, công tác tại Ban điều tra tội phạm quốc tế - Sở cảnh sát tỉnh Saitama, Nhật Bản. Ông định cư tại Nhật hơn 30 nămqua và có vợ là người bản địa. Hiện ông và con gái (một y tá Nhật) đanglàm nhiệm vụ tại thành phố Fukushima - nơi gánh chịu trải qua thảm hoạ sóng thần và nổ nhà máy điện hạt nhân. PV báo ANHP đã liên hệ với Tiến sĩ Thành và con gái ông, được ông đồng ý cho sử dụng trích đoạn ghi lại công tác cứu hộ ở Fukushima...

Dù chỉ còn một mình, cậu bé Toshihito Aisawa, 9 tuổi, vẫn nỗ lực tìm kiếm gia đình bằng cách giơ hai tấm biển đề tên cha mẹ và người thân bị mất tích từ hôm 11-3
Dù chỉ còn một mình, cậu bé Toshihito Aisawa, 9 tuổi, vẫn nỗ lực tìm kiếm gia đình bằng cách giơ hai tấm biển đề tên cha mẹ và người thân bị mất tích từ hôm 11-3

Ngày 13-3-2011,

Chỉ có thể nói là kinh hoàng! Trong 36 năm sống ở Nhật, chứng kiến không biết bao nhiêu trận động đất và thiên tai nhưng với tôi đây là lần đầu tiên có cảm giác khiếp sợ. Hơn 55 đồng nghiệp, trong đó không ít bạn đồng môn cùng khoa cảnh sát SS86 với tôi ở Fukushima đã vĩnh viễn ra đi trong khi đi kêu gọi dân chúng sơ tán khỏi các khu vực bị cảnh báo sóng thần. Cảnh tượng thật khủng khiếp, so với trận động đất ở Kobe 16 năm trước thì kinh hoàng hơn rất nhiều.

Ngày 16-3-2011,

Hiện tôi được tăng cường tới hỗ trợ cảnh sát tỉnh Fukushima. Chỗ tôi làm nhiệm vụ cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khoảng 25 km. Gọi là lên đây hỗ trợ giữ an ninh chứ mấy ngày nay chỉ đi gom xác người không thôi. Người dân bị nạn đã tự động thành lập các đội tự quản để tương trợ lẫn nhau. Giả sử có ai muốn ăn cắp, ăn trộm cũng khó. Vấn đề an ninh không lo lắm. Người chết nhiều quá, chúng tôi chỉ còn lấy vân tay, chụp ảnh và trùm chăn lại để đem đi thiêu. Ngày đầu còn mặc niệm, có cảnh sát còn khóc nhưng bây giờ thì không còn thời gian để mà niệm và khóc nữa. Hôm qua còn không có chỗ để thiêu. Khủng khiếp!

Tối hôm qua tôi được điều tới một trường tiểu học để giúp đội tự quản ở đó phân phát thực phẩm cho người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng ấy, tôi chú ý đến một cậu bé chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo phông và quần đùi. Trời rất lạnh mà cháu lại xếp cuối hàng. Tôi sợ đến phiên của cháu thì chắc chẳng còn thức ăn nên mới lại hỏi thăm. Cậu bé kể cháu đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần ập đến. Bố cháu làm việc gần đó đã chạy đến trường nhưng từ ban công tầng 3 của trường cháu nhìn thấy xe ô tô và bố bị nước cuốn trôi. Khả năng chắc là chết rồi! 

Tôi hỏi mẹ cháu đâu, cậu bé trả lời nhà cháu ở ngay bờ biển, mẹ và em chắc cũng không chạy kịp. Cháu quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy cháu lạnh run lập cập, tôi cởi áo khoác cảnh sát trùm lên người cháu. Vô tình túi lương khô khẩu phần ăn tối của tôi rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho cháu và nói: “Đợi tới phiên con chắc hết thức ăn, khẩu phần của bác đó, bác ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”. Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn.

Tôi nghĩ tưởng đứa bé sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm túi lương khô đi thẳng lên hàng đầu và để túi lương vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi cháu tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Cháu trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng bác ạ”.

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác khóc để cháu bé và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động! Không ngờ một đứa trẻ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một người có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.

Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này đang đứng trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

Ngày 17-3-2011,

Tình hình cũng không đến nỗi mất kiểm soát. Không biết các nơi khác thế nào chứ trong phạm vi bán kính 20 km xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 vẫn bình thường. Hôm nay tôi không đi tìm các thi thể mà chuyển sang hỗ trợ dân sơ tán. Công chức ở đây vẫn đi làm bình thường, không ai nghỉ việc dù chắc chắn nhà người nào cũng có thân nhân chết hay mất tích. Nhiệm vụ người nào người đó làm, hầu như không có hỗn loạn. Dân sơ tán cũng rất trật tự. Những người già, trẻ em và phụ nữ đã được đưa đi hết, chỉ còn một số nam giới và các cụ ông không sợ chết ở lại. Cảnh sát đang khuyên họ rời nhà. Người chết thì nhiều quá không có chỗ thiêu, thân nhân còn sống phải xếp hàng lấy số thứ tự để thiêu người thân quá cố.

Hình như dân Nhật hết sợ chết rồi thì phải. Tôi gọi điện thoại hỏi đứa con gái: “Con có sang quê nội Việt Nam lánh nạn không?”. Nó cười ngặt nghẽo trả lời: “Đã muốn đi lánh nạn thì bố con mình còn chạy lên đây làm gì? Xung quanh con với bố bây giờ toàn người chết với bị thương. Người bị thương còn không tính chuyện chạy thì làm sao con bỏ chạy. Thôi tới đâu hay tới đó. Bố muốn chạy thì chạy trước đi”. Tôi gọi cho bà xã và hỏi giống như đã hỏi con gái, bà xã bình thản trả lời: “Chết thì thôi. Ông sợ thì bỏ chạy đi”.

Thôi, kể như số phận đã an bài. Vợ con không chạy thì không lẽ mình chạy? Tổ quốc thứ hai này đã cho tôi nhiều ân tình. Âu bây giờ cũng là cơ hội đền đáp chút ân tình ấy. Rủi có chết thì biết đâu vài chục năm sau có người Việt Nam nào đó sang Nhật lục trong tàng thư cảnh sát thấy viết rằng: “Trong trận sóng thần lịch sử năm 2011, có một cảnh sát gốc Việt đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ” thì cũng tự hào lắm chứ.


“Sự hy sinh một cách vô ngã của đứa trẻ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho cháu để nhận của cháu một lời cám ơn, còn cháu cho đi cả buổi ăn tối của mình một cách vô tư không so đo, dù cháu đói còn hơn tôi nhiều và chắc phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không còn gia đình nữa”.

“Những ai ở Việt Nam có con em đang làm việc và học tập ở khu vực này và các tỉnh Ibaragi, Fukushima, Miyagi, Tochigi nếu không có liên lạc được thì hãy liên lạc với tôi qua email: minhthanhjp@yahoo.com. Trong khả năng có thể của mình tôi sẽ tìm cách liên lạc giúp đỡ. Những ai nào có thân nhân tại các tỉnh như Kanagawa, Saitama, Shizuoka, Aichi, Tokyo trở về phía nam thì yên tâm vì khu vực này vẫn an toàn”.



HÀ MINH THÀNH


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông