Nhật Bản chính thức nâng mức độ nghiêm trọng của sự cố hạt nhân ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 lên cấp độ 7, mức cực kỳ nguy hiểm, tương đương với sự cố tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Liên Xô cũ năm 1986.
| |
Trong thông báo phát đi sáng qua (12-4), Viện An toàn năng lượng hạt nhân Nhật Bản (NISA) cho biết nồng độ Iodine phóng xạ phát tán ra môi trường tính toán được đến ngày 5-4 đã lên mức 370.000 - 630.000 terabecquerel. Theo đánh giá về Cấp độ sự kiện hạt nhân quốc tế (INES), tai nạn hạt nhân ở cấp độ 7 tương ứng với nồng độ phóng xạ Idiot 131 thoát ra môi trường bên ngoài bằng 10.000 terabecquerel. Một terabecquerel tương đương 1 nghìn tỉ becquerel (Bq), đơn vị đo phóng xạ trong hệ thống đo lường quốc tế. Tai nạn hạt nhân ở cấp độ 7 là mức tồi tệ nhất theo quy chuẩn quốc tế và cho đến nay mới chỉ được áp dụng trong trường hợp của thảm hoạ hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Như vậy, lượng phóng xạ phát ra từ nhà máy điện Fukushima số 1 đã gấp hàng chục lần giới hạn cấp độ 7 của INES. Trước đó, NISA đặt cảnh báo ở Fukushima ở mức 5/7, tương đương độ nguy hiểm của sự cố tại nhà máy Three Mile Island ở Mỹ năm 1979. “Chúng tôi nâng mức độ nghiêm trọng lên 7 vì ảnh hưởng của rò rỉ phóng xạ lan rộng ra không khí, nước máy, nước biển và rau màu”, một chuyên gia của NISA tuyên bố như vậy trong sáng qua.
Dù nâng mức cảnh báo, bản thân NISA cũng cho rằng lượng iodine-131 phát thải ra môi trường bên ngoài từ Fukushima 1 chỉ bằng 1/10 lượng phóng xạ phát tán sau thảm họa Chernobyl, còn lượng cesium-137 bằng 1/7. Chu kỳ bán rã của iodine-131 là 8 ngày, trong khi chu kỳ bán rã của cesium-137 lên tới 30 năm. Được biết, lượng phóng xạ thực tế phát tán ra trong vụ nổ Chernobyl đạt mức 5,2 triệu terabecquerel.
Trả lời phỏng vấn Reuters, một số chuyên gia cho rằng cấp độ 7 là đánh giá “thổi phồng” tình hình tại Nhật Bản và sự cố tại Fukushima 1 chưa thể so sánh với Chernobyl. Ông Murray Jennex - chuyên gia năng lượng hạt nhân đang giảng dạy tại Đại học San Diego ở California (Mỹ), nhận xét: “Tình hình Fukushima 1 chưa thể đến mức đó. Chernobyl mới thực sự tồi tệ. Nó nổ tung và các lò phản ứng bị thổi bay vỏ bọc. Tại Fukushima 1 không có hiện tượng nổ lõi lò phản ứng như Chernobyl mà chỉ có nổ khí hydro. Các lõi phản ứng vẫn còn vỏ bọc thép dày và bể chứa nhiên liệu không bị bốc chảy như Chernobyl”.
Các chuyên gia cho rằng nâng mức độ nghiêm trọng tại nhà máy Fukushima 1 có nguy cơ gây căng thẳng ngoại giao giữa Nhật Bản với các nước láng giềng. Trung Quốc và Hàn Quốc trước đó đã chỉ trích quyết định bơm nước nhiễm xạ ra biển.
VIỆT ANH (tổng hợp) |