Nhớ Thanh Tùng và “Thời Hoa Đỏ”

14:49 23/09/2017

21h50 ngày 12-9 tại TP Hồ Chí Minh, Nhà thơ Thanh Tùng, người con ưu tú của Thành phố Cảng đã trút hơi thở cuối cùng. Ông ra đi, nhưng dường như sống mãi với Hải Phòng, với áng thơ bất hủ mang tên “Thời hoa đỏ”.

 Nhà thơ Thanh Tùng

Anh mải mê về một màu mây xa…

          Sinh ra ở hai thế hệ, kẻ hậu sinh như tôi không dám nhận là tri kỷ của Thanh Tùng, nhưng nghe tin ông mất tôi thấy thật nhớ. Trong nỗi nhớ ấy là kỷ niệm, là những hân hoan Thanh Tùng đã từng truyền cho lớp viết trẻ chúng tôi từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Và giờ thì niềm hân hoan ấy đã trở thành nỗi buồn, dẫu vẫn biết vòng quay của một đời người là thế.

Lần đầu tiên tôi gặp Thanh Tùng là năm 1990. Lúc ấy tôi là công nhân, tham gia CLB thơ Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp cùng các bạn viết gần như cùng trang lứa như Vũ Thị Huyền, Hoài Khánh, Lưu Quang Phổ, Vũ Thúy Hồng, Đỗ Huy Chí... Thanh Tùng vốn cũng xuất thân làm công nhân, nên giữa tôi và ông có riêng sự đồng cảm, ông ít nói, nhưng đã nói là “chém gió” với chất giọng sang sảng, cũng giống như những lúc ông đọc thơ trên diễn đàn. Năm 1995, Thanh Tùng chuyển vào miền Nam, nhưng mấy chục năm trôi qua tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt có tướng khí khái của ông, trán hói sâu tận gáy, phần tóc còn lại hơi dài, luôn được dành để vắt từ mái này sang mái kia, che đi nơi tóc rụng.

Thanh Tùng có nhiều tác phẩm hay, ngoài Thời Hoa Đỏ ông đã xuất bản các tập “Con sông chảy từ lòng phố”, “ Cửa sóng”, “Trường ca Phương Nam”, “Gió và chân trời”…  Thơ Thanh Tùng phóng khoáng, không quá lệ thuộc vào vần điệu hay tứ nhịp, như thể cứ trào dâng là tuôn tuôn, nhưng chìm đắm chứ không phải kiểu thơ lâng lâng bay bổng. Điều bạn đọc thấy rất rõ trong Thời Hoa Đỏ: “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao, Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng, Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh, chẳng cho lòng ta yên…”. Dẫu thế, chỉ cần một Thời Hoa Đỏ đã đủ để Thanh Tùng trở thành nhà thơ, cũng như chỉ cần một lần phổ nhạc cho Thời Hoa Đỏ đã khiến Nguyễn Đình Bảng trở thành nhạc sỹ.

Tôi nhớ trong bài viết của một tác giả về Thời Hoa Đỏ có câu: “Nếu vẽ lại bằng tranh, ta thấy hiện lên toàn là gam màu lửa, với cảm giác nóng bỏng, nhức nhối. Tiếng ve sôi và màu hoa lửa như có sức mạnh thôi miên, hiện lên một quá khứ ấy thật sâu sắc và đẹp đẽ…”. Quả vậy, dù có lúc ngọt ngào “Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ…”, nhưng rồi khắc nghiệt đến nỗi “ Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ/ Như vết xước của trái tim…”, Thanh Tùng đều trải tâm tư ra trong từng chữ, từng câu, chuyện của ông mà ai đọc cũng cảm thấy có mình trong đó. Thời Hoa Đỏ lắng đọng là vậy, đau đáu một miền yêu thương, chiu chắt nỗi niềm không chỉ riêng ông, mà như “cái vẻ thần kỳ của ngày xưa”, rưng rức chảy suốt lòng nhân thế.

Như những ngày xưa ta dại khờ…

Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi…

Cũng là nỗi đau, cũng là hoài niệm về tình duyên tan vỡ, nhưng Thanh Tùng đem vào Thời Hoa Đỏ một nỗi buồn chát mặn, khát lắm mà không thể uống gì, đau lắm mà chẳng muốn vết thương vơi. “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ…”. Sự tan vỡ tàn nhẫn quá, nên khi được phổ nhạc, hình tượng cánh hoa mỏng manh “tan tác” phải chuyển thành “xao xác”, rồi “máu ứa” được thay bằng “nuối tiếc”? Giai điệu của Nguyễn Đình Bảng quá hay, như những cơn nắng hè làm màu phượng thêm chói bỏng, nhưng giả như ông cứ để nguyên tâm trạng ấy của Thanh Tùng, thì có lẽ những giọt đau sẽ nặng và quặn thắt hơn chăng?

Đau đấy, nhưng là sự đớn đau ai cũng muốn nâng niu, ôm ấp những kỷ niệm đẹp, mà rơm rớm trong lòng người ta. Thời Hoa Đỏ ứa máu của Thanh Tùng là bởi vết cắt cả hai bậc tình “yêu” và “duyên”, nên trong bài thơ nỗi đau được láy thành điệp khúc. Nếu như chỉ là “hoa như mưa rơi” có lẽ chẳng nói được nhiều, nhưng đây lại là “Hoa như mưa rơi rơi…”, lại thêm một lần “Hoa như mưa rơi rơi…”, đau đến thảng thốt, day dứt không biết đến bao giờ. Thơ Thanh Tùng chân thực đã đành, mà tính cách ngoài đời của ông cũng thế, bài thơ này ông viết tặng người vợ cũ, mà ông thừa nhận “Đến với nhau bắt đầu vì thơ, mà kết thúc cũng vì thơ”, và tình yêu của ông đã vượt qua mọi nỗi hận, dù đó là “vết xước của trái tim”.

Có thể khi Thanh Tùng viết Thời Hoa Đỏ, mùa hè đã ngớt “tiếng ve sôi”, những con đường Hải Phòng cũng không còn khung cảnh rực rỡ màu hoa phượng đỏ. Nhưng những chùm phượng tênh tang sót lại vẫn bừng lên “lửa cháy khát khao…”, từng cánh hoa vỡ ra, tả tơi giữa biển nắng gió nghiệt ngã vùng cửa biển, mới đúng là tâm trạng của Thanh Tùng, khi xuất thần bài thơ Thời Hoa Đỏ đó chăng? Thanh Tùng là vậy, suốt cả cuộc đời cứ  “…mải mê về một màu mây xa/ về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ…” để chờ mong “mỗi mùa hoa đỏ về…”, và rồi ở tuổi 83, ông vĩnh viễn ra đi ở một nơi cũng có thể coi là viễn xứ. Và cũng có lẽ khi nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn đau đáu nỗi niềm riêng “Anh đâu buồn mà chỉ tiếc, Em không đi hết những ngày đắm say…”.

Dù không chỉ riêng Thời Hoa Đỏ được phổ nhạc, mà nhiều thi phẩm khác của Thanh Tùng đã được chuyển thành lời ca. Nhưng Thời Hoa Đỏ mới thực sự đem đến cho người đọc, người nghe một cảm giác trào dâng, đằm thắm mà mênh mang. Mới hay, hoa phượng không riêng của Hải Phòng, nhưng chỉ đến khi “Thành phố Hoa Phượng Đỏ” của Hải Như - Lương Vĩnh, sánh duyên cùng “Thời Hoa Đỏ” của Thanh Tùng – Nguyễn Đình Bảng, hình tượng Hải Phòng mới được tôn lên chói đỏ. Sẽ rất khiên cưỡng khi so sánh cặp đôi này, bởi một thì trầm sâu lắng đọng, một thì hào khí ngút ngàn, nhưng nếu như chỉ thiếu đi một người trong hai tác giả, thiếu đi một bài trong hai tác phẩm, thì hoa phượng Hải Phòng đâu có còn bất hủ.

Xin nghiêng mình gửi về phương Nam lời tri ân, xin được hẹn mỗi lần mùa hạ về,  khi “hoa như mưa rơi rơi…”, tôi sẽ được gom những “cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi…”, để được nuối tiếc “một thời trai trẻ” cùng với Thanh Tùng.

           Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông