Nhộn nhịp phân khúc thị trường tháng Vu Lan

16:15 06/08/2019

Trong bối cảnh thị trường hàng hóa bộc lộ nhiều nỗi lo khi tháng Ngâu bắt đầu, thì một phân khúc liên quan lại trở lên sôi động, theo thông lệ “đến hẹn lại lên”. Tập quán là vậy, dù thịnh hung hay khăn khó, người ta lại luôn chú tâm vào niềm tin tín ngưỡng, cầu mong mọi điều suôn sẻ, nên vật sắm lễ dường như không thể thiếu, thể hiện rõ trong lễ tết Vu Lan tháng Bảy âm lịch.

Sản xuất hàng mã

          Vài nét về tục xưa

          Trải qua thời gian, sự trao đổi giữa các nền văn hóa khác nhau đã khiến lễ rằm tháng Bảy tại Việt Nam trở thành một niềm hỗn dung tín ngưỡng, cơ bản nhất là giữa báo hiếu tổ tiên và xá tội vong nhân.

Theo thuyết Vu Lan, ở Ấn Độ xưa có người tên Mục Kiền Liên tu luyện được nhiều phép thần thông. Khi mẹ ông qua đời, ông dùng phép tìm khắp trời đất, thấy bà mẹ phải đày là ngạ quỷ, bị hành hạ đói khát khổ sở. Mục Kiền Liên thương mẹ đã gửi cơm xuống tận cõi quỷ, nhưng cơm tới nơi không ăn được vì hóa thành lửa đỏ.

Ông tìm đến thỉnh Phật, Phật nói: “Lúc sinh thời mẹ người không sợ luật nhân quả, tham-sân-si đều có đủ, dối gạt nhiều người, tội ấy không thể dùng sức của một người mà cứu được. Người hãy nương oai nhiều vị chư tăng, rằm tháng Bảy tổ chức chú nguyện, hộ niệm cho cửu huyền thất tổ và mẹ người”. Mục Kiền Liên làm theo lời Phật, quả nhiên mẹ ông thoát nạn, từ ấy ngày rằm tháng Bảy được coi là ngày báo hiếu tổ tiên.

Còn theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng Bảy cõi âm mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cô hồn (hồn cô đơn không nơi nương tựa). Lễ phải làm vào ban ngày, gửi vật hỗ tương cho người chết mà không có ngày giỗ, hoặc không có thân nhân cúng tế ở dương gian.

Bởi sự hỗn dung tín ngưỡng nên khi cúng rằm tháng Bảy người ta làm hai mâm lễ, cúng tổ tiên tại bàn thờ và cúng chúng sinh ở trước sân nhà. Trên mâm cúng tổ tiên, đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và hàng mã. Mâm cúng chúng sinh thì lễ vật gồm có quần áo nhiều màu sắc, bỏng ngô nẻ gạo, bánh kẹo, tiền vàng, gạo muối… Khi cúng xong, hàng mã được đốt, gạo muối rắc khắp 8 phương, còn bánh kẹo chia cho hàng xóm hoặc gọi trẻ em đến tranh cướp, nên có tục cướp chúng sinh là thế.

Hàng mã chuẩn bị được đưa ra thị trường

Chợ người dương dành cho hồn âm

          Phong tục cũ ngày càng được phát triển theo trí tưởng tượng phong phú của  quan niệm “dương sao âm vậy”, nhưng có một nét cơ bản nhất là người ta đều cầu mong cho những lợi ích thiết thực cho cuộc sống hiện tại.

Rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cầu là được, ước là thấy, đốt tiền giả được trả bằng tiền thật, lấy lòng người âm để được phù hộ khỏe mạnh, làm ăn suôn sẻ, thăng quan tiến chức... Nên tín ngưỡng đôi khi bị biến thái, nhiều khi ngay cả việc vi phạm pháp luật bị truy cứu, người ta cũng đổ tại thất lễ với người âm, tại quỷ quấy ma rầy, tại động mồ đổ mả…

          Cũng như mọi năm, thị trường rằm tháng Bảy năm nay nhộn nhịp ngay từ cuối tháng Sáu (AL). Hàng mã khởi động với đủ các loại, được bày bán khắp các chợ chính lẫn chợ cóc, ngay nhiều cửa hàng kinh doanh tạp hóa, gạo mắm, cũng tranh thủ xoay sang buôn mặt hàng này. Những loại hàng mã truyền thống như ngựa, gươm, mũ áo đã bớt dần, thay vào đó là những mặt hàng theo xu thế thời đại.

Nhưng mặt hàng làm sẵn thường có giá rẻ, tuy vậy so với năm trước cũng đắt lên khoảng 10%. Cụ thể ô tô du lịch đủ “thương hiệu” nổi tiếng thế giới từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng/chiếc; xe máy từ 80.000 đồng đến 180.000 đồng/chiếc; Iphone hay Laptop từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/chiếc…      

Dù việc cúng lễ thường được tổ chức trong tuần trước ngày chính rằm, nhưng đối với những người “chịu chơi” thì phải rục rịch trước hàng tháng. Ông Nguyễn Văn H., một người buôn ô tô ở đường Lê Thánh Tông cho hay : “Các cụ nhà tôi về trách, mày buôn xe ở dương thế được lộc mà không chịu gửi cho các cụ, nên năm nay xe ế là phải…”.? Chẳng biết do ông H. tự bịa hay suy diễn, nhưng để có một chiếc ô tô mã to như thật, người sống ngồi lên mà không hề hấn gì, ông phải đặt từ tháng trước.

Ông H. cho biết, năm nào ông cũng có “hàng độc” gửi vào cõi âm, có năm là đôi ngựa to như ngựa chiến, có năm là nhà cao tầng ngất ngưởng, rồi tiện nghi nội ngoại thất không thiếu thứ gì, “Người ta bảo dưới ấy máy bay không dùng được, chứ nếu cần tôi làm cả tàu vũ trụ…”, ông H. quả quyết nói.

          Đấy là chuyện của người chịu chơi, còn theo bà Trần Thu N. ở ngõ 96 Chợ Hàng, đa số người dân vẫn cúng theo phong cách giản dị. Số lượng bánh kẹo, thức ăn khác có phần nhiều hơn, đồ mã thì mua theo bộ từ 70.000 đồng đến 120.000 đồng, cúng cho chúng sinh không biết là nam hay nữ, cao hay thấp thì để nguyên “vải” là các tấm giấy mầu. Bà N. tâm sự: “Mình không có điều kiện, nhưng lễ nghĩa phải đầy đủ, dù không được báo đáp nhưng tâm lý cũng thoải mái”.

Còn anh Đặng Văn T. ở 229 Hàng Kênh lại nghĩ khác: “Tôi cũng cúng đốt nhiều rồi mà vẫn nghèo, năm nay tự chế ra mấy khẩu súng gửi xuống, có khi nhà khác gửi nhiều của, các cụ nhà mình lại kiếm ăn được…”. Chắc là anh T. nói đùa cho vui, nhưng đúng là cùng một vấn đề, suy diễn theo hướng nào

Đốt mã

          Thị trường khó quản?

          Lẽ tất nhiên, có cung ắt có cầu, đồ mã nói chung đã và đang trở thành một mặt hàng có thể nói là thiết yếu trong đời sống xã hội, được điều chỉnh bằng những nguyên nhân nhạy cảm, nên việc quản lý nó cũng… nhạy cảm.

Chiểu theo các quy định thì không quá khó để nhận thấy những sai phạm hiển hiện khắp nơi trong thành phố. Nhưng theo một cán bộ quản lý thị trường, thì bây giờ gần như nhà ai cũng tiêu thụ hàng mã, nên cấm đoán rất khó.

Đồ mã thường cồng kềnh, giá trị thấp, xử lý người bán cũng khổ, mà thu về thì bất cập trong vận chuyển và tiêu hủy, trong khi ngành quản lý thị trường đang rất thiếu lực lượng, phương tiện, kho tàng, và cả kinh phí nữa...

          Nhưng dù sao, đã là hàng hóa thì cần phải quản cho dù rất khó cấm, bên cạnh đó còn nhiều thứ liên quan tiềm ẩn như hỏa hoạn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sinh hoạt cộng đồng… Vấn đề đặt ra là các nhà quản lý nên có cái nhìn linh hoạt hơn, ngay từ khi hoạch định chính sách để điều chỉnh cho mặt hàng này.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông