Công ty CP Nhựa thiếu niên Tiền Phong: Từ phong trào "Kế hoạch nhỏ" đến những "Cây cầu mang đậm tính nhân văn"

15:37 03/01/2020

Công ty CP Nhựa thiếu niên Tiền Phong với 60 năm xây dựng và trưởng thành đến nay đã trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ống nhựa. Với slogan “Nhựa Tiền Phong-luôn tiên phong”, đơn vị liên tục tạo ra sản phẩm mới, giữ vững vị thế số 1 trong ngành ống nhựa Việt Nam. Công ty hiện có 6 nhà máy với tổng năng lực sản xuất khoảng 120 nghìn tấn/năm. Với mạng lưới tiêu thụ gồm 9 Trung tâm phân phối, gần 400 đơn vị bán hàng và 15.000 điểm bán trên toàn quốc, sản phẩm Nhựa Tiền phong không chỉ có mặt tại Việt Nam mà còn vươn ra thị trường thế giới.
Các
Công ty Nhựa Tiền Phong giữ vững vị thế số 1 trong ngành ống, phụ tùng nhựa Việt Nam

Song hành với sự phát triển đó, Công ty Nhựa Tiền Phong cũng đang là đơn vị tiên phong trong việc thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội, thông qua chương trình từ thiện “Cầu nối yêu thương”, với mong muốn trích một phần lợi nhuận của Công ty để đem đến những đổi thay giúp các em học sinh nghèo, cũng như người dân có hoàn cảnh khó khăn ở mọi miền Tổ quốc.

Được triển khai từ tháng 10-2017, chương trình “Cầu nối yêu thương” của Công ty Nhựa Tiền Phong đặt mục tiêu trong 5 năm sẽ xây dựng được trên 60 cây cầu dân sinh hoặc những con đường mới cho bà con đồng bào ở những vùng còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, từng nhịp cầu nối yêu thương đã được doanh nghiệp triển khai, đến nay đã có 38 cây cầu dân sinh được hoàn thành.  Trong đó, chỉ tính riêng trong năm 2019, đã có 23 cây cầu được khởi công xây dựng và trao đến tay người dân, cùng với đó là nhiều hoạt động an sinh xã hội đầy ý nghĩa được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước. Những cây cầu dân sinh được xây dựng, gửi gắm trong đó là biết bao nhiêu tình cảm yêu thương của cán bộ, công nhân viên, lãnh đạo Công ty Nhựa Tiền Phong, với mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình mang đến niềm hi vọng, cũng như thắp sáng ước mơ đến trường cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, giúp người dân các địa phương thuận tiện hơn trong việc đi lại.

Lãnh đạo Cty Nhựa Tiền Phong trao đổi với nhà thầu về chất lượng cây cầu dân sinh Bản Xôm
Lãnh đạo Công ty Nhựa Tiền Phong trao đổi với nhà thầu về chất lượng cây cầu dân sinh Bản Xôm

Rong ruổi dọc các tỉnh biên giới phía Bắc, theo chân đoàn công tác đi xây cầu với những chuyến hành trình dài hàng nghìn km, chúng tôi mới thấy hết được tình cảm của những con người mang trên mình chiếc áo xanh đồng phục mang thương hiệu “Nhựa Tiền Phong”, tuy có khó khăn, vất vả nhưng tuyệt nhiên không một lời ca thán, mà thay vào đó là những nụ cười tươi tắn luôn thường trực nở trên môi. Những ngày bắt tay vào làm cây cầu đầu tiên (cầu dân sinh Bản Xôm-Cầu nối yêu thương số 1) tại xã Pá Khoang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên mọi thứ đều hết sức khó khăn, nhưng chứng kiến hình ảnh bà con nơi đây phải ngày ngày đặt cược tính mạng của mình trên chiếc cầu treo tạm bợ dựng bằng tre, nứa, cán bộ, công nhân viên Công ty Nhựa Tiền Phong như được tiếp thêm động lực, quyết tâm hoàn thiện cây cầu này.

Theo đó, cây cầu cũ nối vào hai điểm trường, hiện đã xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn trong việc đến trường của các em học sinh Tiểu học và mầm non xã Pá Khoang. Để giúp đỡ nhân dân đi lại thuận tiện, giúp các em nhỏ đến trường an toàn, chương trình Cầu nối yêu thương của Cty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã đầu tư kinh phí khoảng 650 triệu đồng để xây dựng cây cầu treo dân sinh và đường nối liền 2 điểm trường tiểu học và mầm non số 1 xã Pá Khoang.

Cầu dân sinh Bản Xôm, xã Pá Khoang
Cầu dân sinh Bản Xôm, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Với những nỗ lực, quyết tâm không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo công ty, cùng sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sau  gần 1 tháng thi công, cây cầu treo dân sinh và con đường mới tu sửa dài hơn 250m đã chính thức được đưa vào sử dụng. Kể từ khi có cầu Pá Khoang, con đường đến trường mỗi ngày của các em học sinh Bản Xôm mới thật ý nghĩa , đồng bào địa phương cũng không còn lo ngay ngáy mỗi khi đi lại vào mùa lũ. Ngoài cầu Pá Khoang và con đường dài dẫn tới hai điểm trường Tiểu học và Mầm non số 1 xã Pá Khoang, Nhựa Tiền Phong và các đối tác còn trao tặng cho trường học những phần quà ý nghĩa thiết thực, phục vụ việc học tập, giảng dạy của các cô và trò nơi đây.

Hay như trong hành trình mang những nhịp cầu yêu thương đến với bà con tại bản Nà Ui, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Một trong những cây cầu có thời gian xây dựng dài nhất (hơn 10 tháng) bởi điều kiện địa hình nơi đây hiểm trở, lại cách xa trung tâm, nên việc vận chuyển nguyên vật liệu, tổ chức thi công gặp vô vàn khó khăn. Cầu Nà Ui-Cầu nối yêu thương số 3 có chiều dài 54 m, chiều rộng 1,5m, trọng tải 0,5 tấn, được thi công với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng.

Ông Chu Văn Phương-Phó Tổng Giám đốc Công ty nhựa Tiền Phong trao các phần quà ý nghĩa cho hai điểm trường mầm non và tiểu học xã Nậm Sỏ
Ông Chu Văn Phương-Tổng Giám đốc Công ty nhựa Tiền Phong trao các phần quà ý nghĩa cho hai điểm trường mầm non và tiểu học xã Nậm Sỏ

Chứng kiến lễ khánh thành cây cầu, cụ ông Lò A Sử, 85 tuổi, một cao niên của bàn Nà Ui đã không cầm được nước mắt khi lần đầu tiên trong đời ông được chạm tay vào chiếc cầu bằng bê tông cốt thép, ước mơ của bao nhiều thế hệ dân bản Nà Ui tưởng chừng như không bao giờ có thể xảy ra, nay đã trở thành hiện thực. Bởi trước khi có cầu, hàng trăm năm nay, người dân bản Nà Ui vẫn phải lội hoặc bơi qua suối để đi ra ngoài bản. Mùa khô, việc di chuyển của người dân đã khó khăn, nhưng vào mùa lũ, sự vất vả còn nhân lên gấp bội, bởi lũ dâng cao lại chảy xiết, đã không ít lần chiếc cầu tre ọp ẹp là con đường độc đạo của hơn 600 nhân khẩu của bản Nà Ui bị nước lũ cuốn phăng.

Cầu treo dân sinh Nà Ui, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu
Cầu treo dân sinh Nà Ui, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu

 Anh Lò Văn Pảnh, Phó Bản Nà Ui, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu nhớ lại, có những trận lũ lớn cả bản bị cô lập hàng tuần trời, điện mất, mọi sinh hoạt của dân bản chỉ còn giữ được ở mức cầm cự, chính quyền địa phương muốn tiếp tế lương thực cho bà con cũng gặp không ít khó khăn. Còn lo lắng nhất đối với bà con là nhà nào có người ốm, không còn cách nào khác là phải chờ nước lũ rút thì mới có thể tới được trạm xá cách đó gần chục cây số. Theo đó, mùa lũ năm 2018 là mùa lũ đỉnh điểm cao nhất từ trước tới nay, chỉ cách mặt cầu Nà Ui tầm 50 cm, nước lũ chảy xiết nên nhiều em học sinh tại bản không thể đến trường.

Nhưng đến nay diện mạo bản Nà Ui đã khác, chương trình “cầu nối yêu thương” của Công ty Nhựa Tiền Phong dường như đã thổi vào vùng đất này một luồng sinh khí mới, thắp sáng ước mơ đến trường cho hàng trăm em nhỏ, cây cầu là chỗ dựa vững chắc cho bà con nhân dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Trong niềm hân hoan, phấn khởi ấy, ông Nguyễn Sỹ Cảnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu không giấu nổi cảm xúc, Nậm Sỏ là xã cuối cùng của huyện Tân Uyên đang phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới, theo kế hoạch, đến năm 2020, xã Nậm Sỏ sẽ hoàn thành nốt 6/19 tiêu chí để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, là cơ sở để toàn huyện Tân Uyên được xét đạt chuẩn. Nhưng nhìn vào tình hình thức tế tại địa phương, đặc biệt lại là một xã miền núi cách xa trung tâm như Nậm Sỏ, thì việc hoàn thành tiêu chí về giao thông, thực sự là quá sức với chính quyền địa phương và bà con nơi đây. Được biết, ngân sách để đầu tư cho Chương trình Xây dựng nông thôn mới của xã Nậm Sỏ không nhiều, năm 2018 chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng. Nhưng chỉ tính riêng việc xây dựng cây cầu Nà Ui-Cầu nối yêu thương số 3 của Công ty Nhựa Tiền Phong đã đóng góp cho địa phương số tiền hơn 3 tỷ đồng đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Như vậy, chương trình “Cầu nối yêu thương” được triển khai suốt 2 năm qua, không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Tiền Phong đối với toàn thể cộng đồng, góp phần cùng các địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới. Đúng như lời chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Trường, Nguyên Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Tiền Phong cùng tấm lòng của tập thể ban lãnh đạo Công ty: "Nhựa Tiền Phong với lịch sử hình thành mang đầy ý nghĩa từ phong trào kế hoạch nhỏ của thiếu niên nhi đồng. Ngoài nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh Công ty luôn hướng tới việc chăm lo cho thế hệ trẻ, đặc biệt là giúp đỡ những trẻ em nghèo có nghị lực và trẻ em ở những vùng khó khăn, cũng như chung tay cùng các địa phương phát triển KT-XH"
Chương trình từ thiện “Đèn lồng ước mơ” của Nhựa Tiền Phong cho trẻ em vùng khó khăn
Chương trình từ thiện “Đèn lồng ước mơ” của Nhựa Tiền Phong cho trẻ em vùng khó khăn

 Không chỉ xây cầu tặng bà con khu vực miền núi phía Bắc, đến nay Công ty Nhựa Tiền Phong cùng với tổ chức thiện nguyện Từ Tâm còn triển khai xây dựng hàng chục cây cầu dân sinh cho những khu vực nghèo khó tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Hậu Giang, Long An…; miền Trung như: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình... Và như đã thành thông lệ, Nhựa Tiền Phong tiếp tục gửi tặng sách vở, đồ dùng học tập, bàn ghế… tới các điểm trường mà doanh nghiệp đi qua, với mong muốn hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục vươn lên trong hoc tập, cùng nhiều hoạt động, chương trình từ thiện ý nghĩa khác.

TRƯỜNG GIANG

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông