Ngày 4-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama trình hồ sơ đăng ký tranh cử lên Ủy ban bầu cử liên bang Mỹ (FEC), thể hiện bước khởi động đầu tiên trên con đường vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2.
| |
Báo USA Today (Mỹ) bình luận ông Obama bắt đầu chiến dịch tái tranh cử ở vị trí vững chắc hơn so với các tổng thống đương nhiệm trong bốn thập niên qua. Chỉ số thăm dò cho thấy ông có tỉ lệ ủng hộ cao hơn so với các cựu Tổng thống Bill Clinton hay Ronald Reagan, những người đã thắng cử nhiệm kỳ thứ hai. Điều này càng được củng cố khi tỉ lệ thất nghiệp toàn quốc đã giảm dần kể từ khi ông Obama nắm quyền lãnh đạo Nhà Trắng. Ước tính nửa triệu việc làm đã được tạo ra trong năm 2010 (riêng trong tháng 3-2011, khối tư nhân tạo được 230.000 việc làm) và điều này khiến cử tri Mỹ rất tin tưởng Tổng thống của họ.
Ông Obama còn có nhiều ưu thế khác. Khả năng gây quỹ của ông rất tốt với khoảng 4 triệu người đã đóng góp cho quỹ tranh cử của ông năm 2008, với tổng số tiền là 750 triệu USD. Và lần này, dù chưa chính thức phát động tranh cử, quỹ của Obama đã nhận được 1,5 triệu USD. Các trợ lý còn hi vọng có thể đưa ông Obama trở thành ứng viên đầu tiên trong lịch sử Mỹ gây quỹ được 1 tỷ USD. Bênh cạnh đó, sự thay đổi về chủng tộc và dân số ở Mỹ cũng theo khuynh hướng có lợi cho tổng thống đương nhiệm. Thăm dò dân số toàn quốc năm 2010 cho thấy nước Mỹ đã trở nên đa dạng hơn về chủng tộc, với sự gia tăng mạnh của nhóm Mỹ gốc Latin. Cuối cùng, có vẻ như phe Cộng hòa sẽ không đưa ra được “đối thủ” nặng ký nào đánh bại phe Dân chủ.
Về mặt lịch sử, trong hơn một thế kỷ qua, đảng chính trị nào vào được Nhà Trắng gần như luôn duy trì được 8 năm cầm quyền, với ngoại trừ ông Jimmy Carter thất cử năm 1980. Tuy nhiên, những thách thức với vị tổng thống 50 tuổi không phải là nhỏ, đó là tiến trình phục hồi kinh tế vẫn đầy bất trắc. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, kinh tế vẫn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri và đảng Cộng hòa dự định sẽ nêu bật chuyện cách Obama tiến hành khôi phục kinh tế. Ngoài ra, quân đội Mỹ đang can dự vào ba chiến dịch quân sự đầy tranh cãi ở Afghanistan, Iraq và giờ là Libya cũng là điểm bất lợi cho ông Obama.
Frank Donatelli, một cựu quan chức cao cấp ở Nhà Trắng dưới thời Reagan và trợ lý của John McCain trong chiến dịch 2008, nhận xét: “Ông Obama có nhiều lợi thế khi không bị thách thức bởi những ứng viên trong nội bộ đảng Dân chủ và có quỹ vận động không giới hạn. Nhưng mặt khác, tình hình kinh tế vẫn đang khó khăn và tỉ lệ ủng hộ ông ấy đã dưới mức 50% được một năm”. Ông Donatelli đánh giá cơ hội của ông Obama là “tốt hơn 50-50 một chút”, nhưng “cũng đáng để ứng viên của đảng Cộng hòa thử sức”.
Một số điểm bất lợi khác của đương kim Tổng thống Mỹ là tranh cãi về chương trình chăm sóc y tế do ông khởi xướng và thúc đẩy vẫn chưa kết thúc. Thứ hai là những cuộc chiến tranh mà chính quyền của ông đang dính líu tại nước ngoài. Thứ ba là chi tiêu công quá lớn với mức thâm hụt tăng từ 290 tỉ USD vào thời tổng thống Bush cha năm 1992 lên tới khoảng 1,6 nghìn tỉ USD hiện giờ, kèm theo khoản nợ công 14,3 nghìn tỉ USD.
VIỆT ANH (tổng hợp) |