Chiều 10-11, Tổng thống Mỹ đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Indonesia - điểm dừng chân thứ hai trong chuyến hành trình châu Á và cũng là nơi ông từng sống suốt 4 năm thời niên thiếu.
| |
Indonesia là quốc gia có nhiều người Hồi giáo sinh sống nhất thế giới, đông hơn tất cả các nước Hồi giáo ở Trung Đông gộp lại. Vì vậy, chuyến thăm Indonesia là cơ hội mới để lãnh đạo nước Mỹ bày tỏ thiện chí với thế giới Hồi giáo như đã từng bộc lộ tại Cairo (Ai Cập) tháng 6-2009, nơi ông đề nghị "một khởi đầu mới với thế giới Hồi giáo, dựa trên lợi ích và sự tôn trọng lẫn nhau". Thực tế, cuộc chiến của Mỹ tại các quốc gia Hồi giáo như Afghanistan và Iraq, cũng như sự trì trệ trong tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, đã khiến ông Obama mất đi nhiều sự ủng hộ của cộng đồng Hồi giáo thế giới.
Tại buổi họp báo chung với Tổng thống Indonesia Susulo Bambang Yudhoyono chiều 9-11, ông Obama khẳng định: "Về mục tiêu bắt tay với thế giới Hồi giáo, tôi cho rằng, nỗ lực của chúng tôi là nghiêm túc và kiên định. "Chúng tôi không dám mong đợi rằng, chúng tôi sẽ xóa bỏ hoàn toàn được những hiểu lầm, ngờ vực nảy sinh giữa hai bên trong suốt cả quãng thời gian dài. Thế nhưng, chúng tôi thực sự tin tưởng, mình đang đi đúng hướng". Cũng tại buổi họp báo, ông Obama đã trình bày sơ lược kế hoạch tiếp cận với thế giới Hồi giáo, bao gồm những sáng kiến về kinh tế, thương mại và giáo dục. Chuyến công du lần này của ông chủ Nhà Trắng tới Indonesia cũng có thể coi là một "sự trở về". Bởi lẽ, Indonesia là nơi ông từng gắn bó trong bốn năm thơ ấu. Ông từng sống ở thành phố Jakarta trong 4 năm từ lúc 6 tuổi tới 10 tuổi hồi những năm 1960. Sáng qua 10-11, ông Obama đã tới thăm Thánh đường Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta và có bài phát biểu tại trường Đại học Indonesia. Ông cũng về thăm trường cũ, nơi những bạn học bản xứ vẫn thường gọi ông với biệt danh là "Barry" (ám chỉ người chạy như con vịt).
Người dân Indonesia coi ông Obama như một người lãnh đạo không chỉ có khả năng hàn gắn mối quan hệ giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo, mà còn là người có sự hiểu biết đặc biệt về đất nước mà ông đã từng sinh sống khi còn là một cậu bé. So với thời ông Bush còn làm Tổng thống, hình ảnh nước Mỹ ngày nay trong mắt người dân Indonesia đã được cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2008 chỉ có 37% số người Indonesia được hỏi có ý kiến tích cực về nước Mỹ thì con số này năm 2009 đã tăng lên tới 63%.
Indonesia vẫn là một đồng minh đang lên của Mỹ. Theo ông Ben Rohdes, phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng phụ trách vấn đề truyền thông, nước Mỹ xem Indonesia là quốc gia dân chủ mới nổi, một đối tác rất quan trọng cho các lợi ích chiến lược trong tương lai của Mỹ tại châu Á và trên thế giới. Indonesia là thành viên của Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20). Với Mỹ, đất nước này là một đối tác thương mại tiềm năng, khi dân số đông đứng thứ 4 thế giới với hơn 227 triệu người tiêu dùng nhưng chỉ mới nhập khẩu từ Mỹ khoảng 6 tỉ USD hàng hóa/năm, đứng hàng thứ 37 trong danh sách các thị trường xuất khẩu của Mỹ.
Chiều qua, sau khi kết thúc chuyến thăm Indonesia, ông Obama đã đặt chân tới Hàn Quốc - chặng dừng chân đặc biệt quan trọng của ông tại châu Á.
VIỆT ANH (tổng hợp) |