17:58 17/10/2014
Ngày 30-5-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020” (Đề án 317) với mục tiêu: “Bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Theo GS.TS Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện Y học biển, Chủ tịch Hội Y học biển Việt Nam, một trong những giải pháp quan trọng nhằm hiện thực hóa chiến lược y tế biển đảo là áp dụng thành công và nhân rộng mô hình kết hợp quân dân y. GIÚP NGƯ DÂN AN TÂM BÁM BIỂN Theo TS - thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y Bộ Quốc phòng, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 317 đến nay, các cơ sở quân y trên tuyến biển đảo đã tổ chức cấp cứu 2.546 người, trong đó quân nhân là 388 người, nhân dân là 2.158 người; khám bệnh, cấp thuốc cho 54.112 lượt người, trong đó quân nhân là 17.456, dân là 36.656; thu dung điều trị 9.768 trường hợp (quân nhân 2.158, dân là 7.630); đã phẫu thuật 1.186 ca, trong đó phần lớn là nhân dân vùng biển đảo. Theo đó, lực lượng quân y trên tuyến biển đảo đã tổ chức cấp cứu, vận chuyển kịp thời, an toàn nhiều trường hợp bệnh nhân nặng như: đa chấn thương, viêm ruột thừa cấp, viêm tụy cấp, viêm túi mật cấp, xuất huyết tiêu hóa, tai nạn do lặn sâu, tai biến mạch máu não… Riêng khu vực quần đảo Trường Sa - Nhà giàn DK, lực lượng quân y đã cấp cứu 115 bệnh nhân (quân nhân 32 và dân 83). Bộ Quốc phòng đã điều động 9 chuyến máy bay trực thăng và 18 chuyến tàu quân sự vận chuyển bệnh nhân an toàn về đất liền cứu chữa kịp thời. Tỷ lệ bệnh cấp cứu tại quần đảo Trường Sa - Nhà giàn DK cao nhất là phẫu thuật viêm ruột thừa cấp 27/115 ca, chiếm 23,5%, tất cả đều an toàn và điều trị đến khỏi bệnh tại các bệnh xá quân y đảo. Những năm qua, Cục Quân y - Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc lực lượng quân y chủ động phối hợp với y tế các địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội trên tuyến biển, đảo của tổ quốc, nhất là các đảo xa đất liền và ở trong những vùng có điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão gió, biển động. Lực lượng quân y trên tuyến biển đảo hiện nay bao gồm các loại hình: Đội điều trị, bệnh xá quân dân y, bệnh xá quân y, các tổ quân y. Tại một số đảo cấp huyện như: Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Qúy (Bình Định), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng)…, lực lượng quân y đã được lồng ghép với y tế địa phương thành Trung tâm y tế quân dân y huyện. Còn tại một số đảo cấp xã, các bệnh xá quân y và trạm y tế đảo được bố trí trong cùng khu vực để tiện phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội… Tuy nhiên, các nhà quản lý và giới chuyên môn còn nhiều băn khoăn. Công tác chăm sóc sức khỏe cho quân và dân vùng biển, đảo được triển khai theo mô hình kết hợp quân dân y từ năm 1991. Tuy nhiên, đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập do thiếu cơ chế liên kết các lực lượng y tế, chính sách xã hội, chính sách về tài chính - đầu tư chưa phù hợp với tốc độ phát triển quy mô dân số, kinh tế biển… HIỆN THỰC HÓA ĐỀ ÁN 317 VỀ PHÁT TRIỂN Y TẾ BIỂN, ĐẢO Ngày 11-10 vừa qua, tại Viện Y học biển, Hội Y học biển Việt Nam, Viện Y học Biển Việt Nam và Tổng hội Y học tổ chức hội thảo “Vai trò của Hội y học trong thực hiện Chiến lược y tế biển đảo và Chuyên đề y học biển, đảo lần thứ 4”. Hội thảo có 27 báo cáo, tham luận liên quan đến chiến lược chung về phát triển y học biển và kiến thức y khoa chuyên sâu được trình bày. PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển y tế biển, đảo giới thiệu kết quả thực hiện Đề án 317 của Chính phủ về “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”. Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Lê Tuấn, hệ thống y tế biển đảo của Việt Nam được tổ chức theo mô hình đất liền, chưa phù hợp với đặc thù địa lý, kinh tế - xã hội của vùng biển, đảo. Năng lực của các cơ sở y tế còn hạn chế, không đủ khả năng mở rộng phạm vi cứu chữa khi bị chia cắt hoặc tăng đột biến nhu cầu khám chữa bệnh. Việc cấp cứu trên biển gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phương tiện vận chuyển... Về phát triển mạng lưới khám chữa bệnh, Đề án 317 xác định: Nâng cao nhận thức và năng lực quản lý nhà nước về y tế biển, đảo; củng cố và phát triển cơ sở y tế dự phòng; đầu tư trang thiết bị y tế, nhân lực, cơ sở hạ tầng cho 6 khoa Hồi sức cấp cứu thành Trung tâm tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển đảo và làm nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu từ xa (Telemedicine) đặt tại 6 bệnh viện ven biển (Viện Y học biển Hải Phòng, Bệnh viện Quân khu 4 - Nghệ An, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 87 Nha Trang, Bệnh viện thuộc Liên doanh Việt - Nga (Viesopetro) thành phố Vũng Tàu, Bệnh viện quân dân y 78 Phú Quốc (Kiên Giang). Đối với các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương, tùy điều kiện có thể đầu tư trang thiết bị phục vụ cấp cứu, khám bệnh đặc thù cho vùng biển, đảo tại bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố. Trước mắt, ngành y tế ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho 4 trung tâm y tế, bệnh viện huyện trọng điểm về quốc phòng - an ninh, nghề cá có đủ khả năng triển khai các kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2. Đóng mới từ 2 đến 3 tàu biển đa năng, chịu được sóng trên cấp 8, có chức năng là tàu bệnh viện, hoạt động lưu động trên biển. Trang bị cho tàu tuần tra của Cảnh sát biển, Kiểm ngư có đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế có khả năng xử lý một số cấp cứu thông thường gặp trên biển. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng huyện đảo, có thể chỉ tổ chức tập trung lực lượng y tế vào 1 bệnh viện hoặc trung tâm y tế, còn trạm y tế xã có thể được thay thế bằng phát triển mô hình “Bác sĩ gia đình” tại các cụm dân cư. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh cho các trạm y tế xã đảo độc lập… Đầu tư đủ trang thiết bị, nhân lực cho 4 trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 theo mô hình “quân dân y kết hợp” tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, làm nhiệm vụ phối hợp với 4 trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải khu vực cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân về đất liền; đồng thời xây dựng các phương án phối hợp giữa các đội tàu thuộc Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng với tàu tìm kiếm cứu nạn của các trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải khu vực 1, 2, 3, 4… tham gia cấp cứu, vận chuyển nạn nhân trên tuyến biển - đảo… Trần Phương |
22:29 23/11/2024
09:46 21/11/2024