Phiên toà của lương tri nhân loại tiến bộ

21:02 15/05/2009

Bắt đầu từ hôm nay 15-5, tại Paris (Pháp), Toà án Lương tâm Nhân dân quốc tế sẽ mở phiên toà xét xử các công ty hoá chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Bắt đầu từ hôm nay 15-5, tại Paris (Pháp), Toà án Lương tâm Nhân dân quốc tế sẽ mở phiên toà xét xử các công ty hoá chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Hai trong số 3 nạn nhân dioxin Việt Nam tham dự phiên toà công lý
Hai trong số 3 nạn nhân dioxin Việt Nam tham dự phiên toà công lý

Tòa án Lương tâm Nhân dân quốc tế là sáng kiến của Hội luật gia dân chủ quốc tế vận động, tập hợp các nhà khoa học, các luật gia nổi tiếng trên thế giới thành lập ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tòa án được mở nhằm mục đích vạch trần những nghịch lý của các cấp tòa án Mỹ; góp phần thức tỉnh lương tri thế giới đấu tranh mạnh mẽ để công lý được thực thi cho tất cả các nạn nhân chất độc da cam/dioxin thế giới, trong đó có các nạn nhân Việt Nam. Thành phần thẩm phán tham gia toà án đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có 2 người đến từ Mỹ...

Trong buổi họp báo ngày 11-5 vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) cho biết đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam có 14 thành viên, đại diện cho 3 triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, tham dự phiên toà với tư cách là nhân chứng và người bị hại. Ngoài đoàn Việt Nam còn có các đoàn nạn nhân đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có khẳng định đại diện bị đơn phía Mỹ sẽ tham dự phiên tòa tại Paris. Nhưng dù không có đại diện, tòa án vẫn xử theo hình thức vắng mặt.

Trong thành phần đoàn Việt Nam có 3 nạn nhân tham gia phiên tòa với tư cách nhân chứng, gồm ông Hồ Ngọc Chu (Quảng Ngãi); anh Phạm Thế Minh (Hải Phòng) và ông Mai Giảng Vũ (thành phố Hồ Chí Minh). Ông Vũ là người tham gia quân đội Việt Nam Cộng hoà và trực tiếp tham gia rải chất độc tại nhiều địa phương như: Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Tây Ninh… Hiện ông mắc nhiều căn bệnh do chất độc da cam/dioxin gây ra như: viêm mũi họng, u tiền liệt tuyến, mắt kém… Ông sinh được 3 người con nhưng cả 3 đều bị thiểu năng trí tuệ, nằm liệt giường và đều mất khi ở tuổi đôi mươi.



Máy bay Mỹ rải chất độc xuống Việt Nam


Trong phiên toà hôm nay, đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ cung cấp cho Toà những bằng chứng cụ thể về môi trường thiên nhiên, về sức khoẻ của nạn nhân Việt Nam do hậu quả của chất độc hoá học mà quân đội Mỹ đã sử dụng thời kỳ 1961-1971 để Toà án Lương tâm Nhân dân Quốc tế tiến hành các thủ tục tố tụng, làm rõ những vấn đề pháp lý để phía các công ty hoá chất Mỹ phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Việc quân đội Mỹ rải chất độc da cam/dioxin gây những hậu quả nghiêm trọng về môi trường và con người ở Việt Nam là một sự thật không thể chối cãi. Ấy vậy mà cả 3 cấp tòa án Mỹ, từ sơ phẩm, phúc thẩm đến tối cao đều từ chối thụ lý đơn kiện của các nạn nhân Việt Nam, với lý do là không đủ căn cứ. Tuyên bố đầy bất công đó của các tòa án Mỹ không chỉ gây bất bình trong dư luận Việt Nam, mà còn trong đông đảo dư luận yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, trong đó có nhiều nhà khoa học, luật học.

Sự thật phải được bảo vệ, công lý phải được thực thi. Tòa án lương tâm Nhân dân quốc tế sẽ khơi dậy lương tâm của con người, có sức mạnh của lòng phẫn nộ đối với tội ác của chiến tranh, thúc giục hành động của mỗi con người có lương tri đang sống trên thế giới. Các phán quyết của phiên tòa chính là ý kiến của công luận, của lương tri thế giới và có thể tạo ra sức ép đối với phía bị đơn để công lý được thực thi. Tòa án cũng sẽ xác định trách nhiệm của phía Mỹ, gồm các công ty hóa chất và chính quyền Mỹ, trong việc đền bù thiệt hại cho các nạn nhân và nhân dân Việt Nam.

Luật sư Lê Đức Tiết, một trong hai luật sư của đoàn, cho biết những chính trị gia lão luyện trên thế giới đánh giá rất cao sức mạnh của Tòa án Lương tâm Nhân dân quốc tế. Phán quyết của Tòa án lương tri này không có hiệu lực buộc phải thi hành ngay như phán quyết của tòa án quốc gia. Dẫu chậm hơn nhưng cuối cùng các phán quyết của Tòa án công luận đã và sẽ buộc các Chính phủ phải thay đổi đường lối chính sách lỗi thời của họ.

VIỆT ANH (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông