Philippines tố Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc

16:22 18/06/2011

Bộ Ngoại giao Philippines sẽ đệ trình Liên Hợp Quốc báo cáo về việc các lực lượng Trung Quốc nhiều lần xâm nhập phần lãnh hải Philippines trên biển Đông. Manila cũng sẽ đệ trình ASEAN báo cáo riêng về vấn đề này. Động thái này được mô tả là cứng rắn nhất của Philippines trước hàng loạt vụ gây hấn gần đây của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Philippines sẽ đệ trình Liên Hợp Quốc báo cáo về việc các lực lượng Trung Quốc nhiều lần xâm nhập phần lãnh hải Philippines trên biển Đông. Manila cũng sẽ đệ trình ASEAN báo cáo riêng về vấn đề này. Động thái này được mô tả là cứng rắn nhất của Philippines trước hàng loạt vụ gây hấn gần đây của Trung Quốc.

Tàu TQ xâm nhập trái phép vùng lãnh hải của Philippines
Tàu TQ xâm nhập trái phép vùng lãnh hải của Philippines

Philippines cáo buộc Trung Quốc vi phạm thô bạo một thỏa thuận ký năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm ngăn chặn các vụ xung đột tại quần đảo Trường Sa có tranh chấp trên biển Đông. Chính phủ Philippines cho biết họ có tài liệu chứng tỏ từ tháng Hai tới nay Trung Quốc đã 6 lần thâm nhập các khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền bên trong và gần quần đảo Trường Sa. Đỉnh điểm vào ngày 2-3, Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải khu vực Reed Ban (tức Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng hiện bị Philippines chiếm giữ), cách phía tây đảo Palawan của nước này 200 km và gần khu vực khai thác khí đốt Malampaya của Philippines.

Chi tiết vụ gây hấn của tàu Trung Quốc được báo chí Philippines mô tả: hai tàu hải quân Trung Quốc có trang bị vũ khí đã ngang ngược phát loa yêu cầu tàu khảo sát dầu khí của Bộ Năng lượng Philippines dừng mọi hoạt động và phải rời khu vực này ngay lập tức. Sau đó, tàu Trung Quốc còn có những động thái đe dọa là sẽ đâm chìm tàu khảo sát Philippines nếu tàu này không tuân lệnh. Phản ứng quyết liệt trước động thái táo tợn và phi lý của tàu Trung Quốc, chỉ huy tàu khảo sát của Philippines đã điện đàm yêu cầu quân đội và lực lượng tuần duyên của Philippines hỗ trợ khẩn cấp.

Manila ngay sau đó đã ra lệnh cho hai máy bay chiến đấu có mặt cấp thời tại khu vực này để hỗ trợ. Thấy máy bay chiến đấu của Philippines, hai tàu hải quân Trung Quốc đã rời khỏi khu vực này. Tướng Juancho Sabban của quân đội Philippines cho biết: "Những chiếc tàu Trung Quốc tiến sát đến tàu thăm dò, yêu cầu họ dừng lại và rời khỏi khu vực. Chúng tôi gửi máy bay đến để xem xét nhưng tàu Trung Quốc đã rời khỏi, có thể là sau khi thấy sự phản ứng của chúng tôi". Cuộc đối đầu trên biển chưa gây thiệt hại về vật chất hoặc nhân mạng nhưng đã gây ra làn sóng phản ứng dữ dội ở Philippines.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết vụ đối đầu nói trên là thách thức nghiêm trọng nhất đối với những nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình kể từ năm 1995, thời điểm Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng đảo chìm Mischief mà Manila tuyên bố chủ quyền. Văn phòng kế hoạch chiến lược và phát triển thông tin thuộc Phủ Tổng thống Philippines cũng nói rằng nhiều nước ASEAN và các bạn bè của ASEAN đã biết về sự kiện đã xảy ra cũng như Manila biết về các vụ việc đã và đang xảy ra với Việt Nam do Trung Quốc gây hấn. Những vụ việc này cũng đang được thông tin đến các nước ASEAN.

Một nghị sĩ Philippines là ông Roilo Golez phát biểu cho rằng Philippines sẵn sàng một mình giải quyết vấn đề biển Đông như một thách thức ngoại giao nhưng Manila cũng nên liên minh với các bên khác là "nạn nhân" của Trung Quốc. Ông nói: "Chúng ta phải dùng mọi diễn đàn quốc tế có thể để vạch mặt Trung Quốc là một kẻ chuyên bắt nạt quốc tế và cư xử không đứng đắn. Chúng ta phải quốc tế hóa vấn đề tranh chấp trên cả kênh chính thức lẫn không chính thức. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc các nước liên quan trong cuộc tranh chấp này phải tìm kiếm sự giúp đỡ của LHQ đứng ra làm trung gian hòa giải".

Theo giới truyền thông Philippines, các nghị sỹ nước này tỏ ra thất vọng trước lập trường của Mỹ đối với việc Trung Quốc có hành động xâm phạm ở biển Đông nhưng họ tin rằng Malina sẽ dẫn đầu trong việc làm cho vấn đề này trở thành một vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Philippines - ông Feliciano Belmonte nói rằng không lôi kéo Mỹ dính dáng vào vấn đề này là thích hợp nhất vì tình hình vẫn có thể giải quyết được bằng con đường ngoại giao. Đạt được lập trường chung với các bên đòi chủ quyền khác chống lại Trung Quốc là sự lựa chọn tốt nhất.

Trong khi đó, Nghị sỹ Roilo Golez nói rằng ông hoàn toàn hy vọng Mỹ sẽ tỏ rõ lập trường đối với Trung Quốc về vấn đề này. Còn theo nghị sỹ thành phố Muntinlupa Rodolfo Biazon, Mỹ sẽ giữ trung lập cho tới khi quân đội hay tàu thuyền của Trung Quốc nổ súng. Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm 14-6 đã phát biểu rằng nước này cần sự giúp đỡ của Mỹ trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Ông Aquino nói: "Tất nhiên, Trung Quốc là một siêu cường. Dân số của họ lớn hơn nước ta tới 10 lần. Chúng tôi không muốn chiến tranh xảy ra. Có lẽ, sự hiện diện của Mỹ sẽ đảm bảo rằng tất cả chúng ta sẽ được hưởng tự do hàng hải và sẽ tuân theo luật pháp quốc tế".

Tổng thống Aquino cũng tỏ thái độ rõ ràng khi bác bỏ đàm phán song phương giữa Philippines và Trung Quốc về vấn đề biển Đông mà như ông mô tả là không "đấu tay đôi" với Trung Quốc. Đáp lại, đại sứ Mỹ ở Philippines Harry Thomas khẳng định Washington sát cánh với đồng minh của họ trong vấn đề Biển Đông. "Tôi đảm bảo với các vị rằng Mỹ sẽ sát cánh với Philippines trong tất cả các vấn đề", tờ Manila Sunstar dẫn lời đại sứ Thomas cho biết như vậy.

Về động thái cứng rắn của Philippines là tố cáo các hành vi gây hấn của Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc, báo chí nước này đưa tin cho biết văn bản này đang được Bộ Ngoại giao chuẩn bị. "Cần nhanh chóng trình lên Liên Hợp Quốc", ông Ricky Carandang, người đứng đầu cơ quan phát triển và chiến lược truyền thông thuộc phủ tổng thống, nói như vậy. Được hỏi về khả năng nhanh chóng giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, ông Carandang nhận xét rằng hiện còn quá sớm để có thể đi đến một thỏa thuận với các bên liên quan.

Tương tự, Philippines cho rằng hiện nay cũng không phải là thời điểm thích hợp để theo đuổi một cơ chế thăm dò tài nguyên chung với các bên tranh chấp ở Trường Sa. Trước đó, cựu chủ tịch hạ viện Philippines Jose de Venecia đề nghị Tổng thống Bengino Aquino gác lại tranh chấp chủ quyền để cùng tham gia khai thác tài nguyên với các nước cũng có tuyên bố chủ quyền như Việt Nam và Trung Quốc.

Tuần trước, khi phát biểu tại Manila, đại sứ Trung Quốc Lưu Kiến Siêu tuyên bố các nước liên quan nên ngừng khai thác dầu mỏ ở Trường Sa và cần tham vấn Trung Quốc trước khi có bất cứ hoạt động nào trong lĩnh vực này. Ông Siêu nói Trung Quốc để ngỏ khả năng khai thác chung. Tuy nhiên tuyên bố của ông Siêu làm dấy lên những lời phản đối từ các bên liên quan. Một số chuyên gia bình luận rằng Trung Quốc muốn nhảy vào "cùng khai thác" tại những nơi không thuộc quyền chủ quyền của họ mà là của nước khác.


THÁI VÂN (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông