Quốc hội thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

10:14 23/06/2023

Tiếp tục Kỳ họp thứ Năm, chiều 22-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

                                                                    Đề nghị cân nhắc một số quy định

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi Luật Căn cước công dân hiện hành nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông)

Theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông), việc sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Bởi, Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã xác định nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn. Đồng thời, hoàn thành xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý.

So với Luật Căn cước công dân năm 2014, tại dự thảo Luật lần này đã mở rộng đối tượng áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Cơ bản đồng tình với quy định này, một số đại biểu cho rằng, sẽ bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gốc Việt Nam được tham gia các giao dịch dân sự, giao dịch thiết yếu trong cuộc sống như cư trú, đi lại, làm việc, kết hôn… Đồng thời, tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về dân cư, giúp công tác hoạch định chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội sát hơn, cũng như các vấn đề về bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long)

Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đề nghị, cần cân nhắc việc bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với vấn đề này. Bởi, theo quy định tại Khoản 1, Điều 17, Hiến pháp năm 2013 thì công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Như vậy, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định quốc tịch thì không phải là công dân Việt Nam theo quy định của Hiến pháp. Vì vậy, về nguyên tắc, căn cước công dân chỉ được cấp cho công dân Việt Nam. Do đó, việc bổ sung đối tượng người gốc Việt Nam là chưa bảo đảm thống nhất giữa nội dung, tên gọi và không thật sự chính xác so với nội dung cũng như là phạm vi của các quy định tại dự thảo Luật này.

                                                                          Làm rõ “thông tin khác” của công dân

          Các đại biểu đánh giá cao Bộ Công an thời gian qua quyết liệt chỉ đạo cấp thẻ căn cước và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay có gần 80 triệu thẻ được cấp. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối được với 13 bộ ngành và 63 địa phương.

           Liên quan đến vấn đề thông tin của công dân được thu thập tích hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được tích hợp cả những “thông tin khác” của công dân được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng cần cân nhắc thêm bởi các cơ sở dữ liệu chuyên ngành rất nhiều, chuyên ngành y tế, giáo dục, lao động, thuế, chứng khoán…

          Ví dụ, Bộ Tài chính đến nay đã ban hành 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Nếu thêm các bộ, ngành khác, các lĩnh vực khác trên phạm vi cả nước sẽ có hàng trăm cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

          Mặt khác, dự thảo luật quy định những “thông tin khác” của công dân cũng chưa rõ là những thông tin gì. Những thông tin này liên quan trực tiếp đến thông tin của công dân, trong đó có thông tin về đời sống riêng tư, nên đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, quy định cụ thể ngay trong luật mà không nên thể hiện như dự thảo hiện nay, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)

          Liên quan đến các chủ thể được khai thác thông tin được quy định tại điều 11. dự thảo nêu các chủ thể được khai thác thông tin bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy tán thành về các chủ thể được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, theo đại biểu, các dữ liệu trong cơ sở quốc gia về dân cư rất rộng, trong đó có thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. Ví dụ, đối với số điện thoại của công dân, nếu không được quản lý một cách phù hợp cũng sẽ gây phiền phức cho người dân.

Mỗi cơ quan tổ chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, mục đích khai thác và phạm vi khai thác sẽ không giống nhau. Cảnh sát giao thông chỉ có nhu cầu khai thác thông tin về giấy phép lái xe; cơ quan địa chính chỉ có nhu cầu khai thác về đất đai, nhà cửa của công dân. Dự thảo chỉ quy định các chủ thể được khai thác thông tin mà không quy định về phạm vi phạm thông tin từng chủ đề được khai thác, và giao hết việc này cho Chính phủ quyết định.

 Đại biểu đề nghị rà soát và quy định cụ thể trong ngay trong luật về phạm vi thông tin mà từng chủ thể được khai thác, theo nguyên tắc bảo đảm đúng chức năng nhiệm vụ từng chủ thể, chỉ nên giao Chính phủ quy định về  trình tự, thủ tục quá trình thu thập khai thác thông tin.

                                                        Bảo mật thông tin cá nhân

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), thông tin của công dân quy định như điều 10, bao gồm 24 khoản là quá nhiều, có thể thiết kế lại những khoản trùng lắp, không cần thiết như: nhóm máu, nơi ở hiện tại (công dân có thường trú tạm trú) tình trạng khai báo tạm vắng…

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

       Cũng cần quy định cụ thể thông tin nào buộc phải cập nhật và thông tin nào chỉ để áp dụng cho những trường hợp cá biệt. Thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước về nghề nghiệp, ADN cũng cần cân nhắc, vì nghề nghiệp có thể thay đổi theo thời gian, ADN đâu phải ai cũng đi xét nghiệm. Nếu buộc xét nghiệm rất tốn kém.

           Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị quy định thông tin cá nhân trong dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước của cá nhân phải được bảo vệ mật. Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm về bảo mật nếu thông tin cá nhân bị lộ lọt ra ngoài kẻ xấu lợi dụng ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của người dân.

                                                                Cân nhắc quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Theo đó, tại Khoản 2, Điều 20 quy định: Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) 

Đồng tình với quy định này tại dự thảo Luật song đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) đề nghị, cần đánh giá kỹ hơn về tác động tiêu cực, tích cực; so sánh chi phí và lợi ích đem lại để làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định. Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm của người giám hộ, cha mẹ với người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước nhằm tránh việc lộ lọt thông tin cá nhân hoặc sử dụng thẻ căn cước vào mục đích xấu.

Đối với quy định cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi, các đại biểu cho rằng điều này là cần thiết để tạo thuận lợi trong tất cả các giao dịch có liên quan đến trẻ em.

    Theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định), cấp cho trẻ em từ khi sinh ra đến 6 tuổi thì việc trẻ em khi đi khám bệnh có CCCD sẽ xác nhận được ngay cháu này đang dưới 6 tuổi thì được miễn phí bảo hiểm y tế hay vấn đề khai sinh khi đi đăng ký khám chữa bệnh, nơi ở sẽ rất thuận tiện khi giấy khai sinh được tích hợp vào thẻ căn cước. Với trẻ em dưới 14 tuổi rất thuận tiện cho gia đình trong các giao dịch của trẻ em đối với nhà nước, rất đồng tình với việc nên cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi.

       Đồng tình với việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 6 tuổi, tuy nhiên các đại biểu cho rằng, cần có quy định về trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ trong việc quản lý sử dụng thẻ căn cước của nhóm này.

Đối với quy định sử dụng thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu, có ý kiến không đồng tình với nội dung này bởi sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) không đồng ý với quy định trên vì cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính do trẻ em được sinh ra cùng thời điểm nên phải cấp đồng thời nhiều loại giấy tờ khác nhau như mã định danh cá nhân, giấy khai sinh, bảo hiểm y tế, căn cước công dân dẫn đến việc nơi lỏng nguồn lực thực hiện, tăng chi phí với người dân mỗi lần cấp đổi thẻ và làm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc triển khai thực hiện. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh các quy định, thủ tục cho phù hợp với thực tiễn tránh làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính đồng thời tạo sự thuận lợi khi triển khai thực hiện./.

                                                                                                                                       Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông