Siết chặt thị trường “hàng xách tay”

20:10 01/04/2019

Những năm gần đây, sự nở rộ của mạng xã hội như zalo, facebook, web page, đặc biệt là hình thức live stream trên facebook khiến cho việc buôn bán hàng hóa, đặc biệt là hàng xách tay “được mùa”...

Mấy ngày nay chị Vũ Hồng Nhung, ở Lạch Tray, luôn trong trạng thái lâng lâng vì mua được lọ nước hoa Lancome Tresor Midnight Rose ao ước bấy lâu. Bình thường lọ nước hoa dung tích 75ml loại này nếu chưa sale có giá gần 3 triệu. Đợt này “canh” giảm rồi nhờ người quen mua ở Pháp mua hàng rồi chuyển về chỉ có 2,1 triệu, rẻ gần 1/3 giá trị.

Căn biệt thự chưa hoàn thiện nhưng một trong những việc chị Trần Thị Hồng, ở chợ Lũng, không quên là đặt mua các thiết bị gia dụng gồm bếp tử, nồi, chảo, máy rửa bát, nồi hầm, máy xay xinh tố, tủ lạnh… từ các thương hiệu WMF, Bosch nổi tiếng của Đức. Đơn hàng của hàng của chị tính sơ sơ đã lên giá trị gần 200 triệu và phải chờ cả tháng do vận chuyển

Mấy ngày nay thời tiết giao mua, cu Bi lại viêm mũi họng, vậy là chị Phạm Thị Nguyệt lại mua lọ siro Prospan của một người chuyên bán hàng xách tay của Đức. Tiện thể công ship hàng, chị đặt thêm 2 hộp sữa Ensure, lọ Nurofen hạ sốt, thuốc uống trị ho long đờm ACC Kindersaft và kẹo Vitamin tổng hợp Das gesunde Plus Vitamin Barchen dạng viên dẻo hình gấu cho con và hộp thải độc gan Arkopharma cho ông xã…

Ngày càng nhiều người ưa chuộng hàng xách tay

Nếu như trước kia, người tiêu dùng dù có điều kiện kinh tế, muốn sở hữu hàng hiệu do nước ngoài sản xuất cũng không mấy thuận lợi cho nguồn hàng tương đối hạn chế. Nếu không có điều kiện tự đi du lịch mua sắm thì chỉ trông chờ vào nguồn do tiếp viên hàng không, người thân mang về theo diện hành lý cá nhân. Tuy nhiên hiện nay, chỉ cần có điều kiện, ngồi ở nhà khách hàng vẫn có thể dễ dàng được sử dụng các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng thế giới như Gucci, Rolex, Chanel, Dolce và Gabbana hay Dior… hay các các loại đồ gia dụng, thực phẩm chức năng, sữa, mỹ phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc… bằng việc đặt hàng qua các trang mạng xã hội hoặc các cửa hàng chuyên kinh doanh hàng xách tay.

Sự đa dạng, phong phú của các mặt hàng xách tay, không chỉ dừng lại ở đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng mà ngay cả những loại thuốc trị bệnh cũng được bán “hồn nhiên” qua mạng… Trong số đó, xuất xứ được người tiêu dùng ưa chuộng phải kể tới hàng của Nhật, châu Âu, Mỹ...

Khi được hỏi vì sao lại thích mua hàng xách tay chứ không mua sản phẩm nhập khẩu chính hãng trưng bày tại các siêu thị, đại lý, trung tâmthương mại, ý kiến chung của nhiều người tiêu dùng là do giá bán rẻ hơưn hàng nhập khẩu. Bởi những mặt hàng đó thường được đưa vào Việt Nam dưới danh nghĩa đồ dùng cá nhân không phải đóng thuế. Chẳng hạn, một thỏi son của hãng YSL nếu bán tại các trung tâm mỹ phẩm thường có giá từ 850.000-950.000 đồng; một lọ kem_dưỡng ẩm chống lão hóa, nâng cơ Estee_Lauder Resilience Lift 50ml giá bán tầm 2.900.000 đồng, mua qua hàng xách tay chỉ 1.800.000 đồng hay chiếc điện thoại IPHONE X được quảng cáo là hàng xách tay like new (như mới) giá rẻ hơn những 4-5 triệu đồng.

Như vậy, ngoài tâm lý ưa hàng hiệu, mà lại hàng hiệu giá rẻ đã giải thích lý do vì sao các cửa hàng kinh doanh đồ xách tay liên tục xuất hiện.

Theo chị Nguyễn Thị Tuyết, một người chuyên bán mỹ phẩm xách tay do con gái đang sống ở Pháp chuyển về thì hàng xách tay về Việt Nam chủ yếu dưới dạng hành lý ký gửi cùng người nhập cảnh, được miễn thuế trị giá không quá 10 triệu đồng. Ngoài lãi nhờ “né” thuế, các chủ hàng thường chờ cơ hội mua hàng khuyến mại tại nước ngoài để tranh thủ “ôm” hàng về nước bán lẻ.

Ngoài ra theo những dân trong nghề thì hàng xách tay còn có nhiều con đường khác để đậu bến Việt nếu cửa hàng đó kinh doanh chuyên nghiệp với số lượng lớn như qua tiếp viên hàng không, hải quan…

Việc người tiêu dùng mong muốn được sử dụng hàng hiệu, chất lượng cao với giá thành rẻ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên bên cạnh những người được hưởng lợi thực sự vẫn còn nhiều kẽ hở để hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trà trộn khiến khách hàng rơi vào tình cảnh tiền thật mà hàng lại dỏm, nhất là với những người đặt hàng qua mạng.

Để giám sát, xử lý hiệu quả tình trạng này cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều ngành. Đặc biệt là các mặt hàng xách tay kinh doanh trực tuyến trên trang mạng xã hội, QLTT không dễ kiểm tra, vì chủ hàng thường lấy hàng ở khắp nơi mà không có kho hàng cụ thể, sau đó giao trực tiếp cho khách, nhằm tránh né sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.

Để siết chặt thị trường hàng xách tay, năm 2018, Văn phòng Chính phủ đã chỉ đạo 5 bộ ngành (Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) tăng cường quản lý hàng xách tay. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc xác lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá những đường dây lợi dụng chính sách quà biếu, quà tặng để buôn lậu tại cửa khẩu sân bay quốc tế; nhanh chóng xây dựng phần mềm quản lý số lần miễn thuế theo định mức đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các hoạt động kinh doanh hàng hóa gắn mác “xách tay”… 

Mặc dù chưa có thống kê chính xác về số lượng người kinh doanh hàng xách tay trực tuyến tại 1 tỉnh thành hay trên cả nước nhưng thực tế cho thấy con số này không hề nhỏ về doanh thu và lợi nhuận. Điều đáng lo ngại là hàng kém chất lượng mạo danh xách tay còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc người tiêu dùng và thất thu thuế. Do vậy, rất cần các biện pháp hữu hiệu làm trong sạch, lành mạnh hóa thị trường.

Mua hàng xách tay qua mạng tiềm ẩn rủi ro hàng kém chất lượng trà trộn

Một tín hiệu tích cực là ngày 12-11-2018, Quốc hội nước ta đã chính thức phê chuẩn Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 quốc gia thành viên (Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore).

Từ ngày 14-1-2019, hiệp định chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Với sự kiện này, trong cam kết thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế. Theo đó: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế NK với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

 Như vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể mua được mỹ phẩm, đồ ăn từ 11 nước ký kết hiệp định mà không phải chịu thuế. Có nghĩa là người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn có thể mua được "hàng hiệu" giá rẻ và đảm bảo chất lượng. Nhiều người kỳ vọng với những động thái trên, thị trường hàng xách tay sẽ sớm được chấn chỉnh và siết chặt.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông