Sức ép lên Syria

15:18 14/11/2011

Ngày 12-11, Liên đoàn Arập (AL) đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syria cho tới khi Tổng thống nước này thực hiện thỏa thuận đã đạt được với AL về lộ trình chấm dứt khủng hoảng, bao gồm việc chấm dứt các hành vi bạo lực đối với người biểu tình tại Syria và đối thoại với phe đối lập về quá trình chuyển tiếp. AL cũng kêu gọi các nước Arập rút đại sứ khỏi Damascus.
Ngày 12-11, Liên đoàn Arập (AL) đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syria cho tới khi Tổng thống nước này thực hiện thỏa thuận đã đạt được với AL về lộ trình chấm dứt khủng hoảng, bao gồm việc chấm dứt các hành vi bạo lực đối với người biểu tình tại Syria và đối thoại với phe đối lập về quá trình chuyển tiếp. AL cũng kêu gọi các nước Arập rút đại sứ khỏi Damascus.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp của ủy ban cấp bộ của AL tại thủ đô Cairo, Ai Cập, để thảo luận tình hình Syria, Thủ tướng-Ngoại trưởng Qatar Hamad ben Jassem al-Thani cho biết lệnh đình chỉ sẽ có hiệu lực từ ngày 16-11 tới, trong khi các bộ trưởng Arập sẽ thảo luận để đưa ra quyết định cụ thể về những biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị đối với chính phủ của Tổng thống Al Assad. Theo ông Hamad, 22 quốc gia thành viên của AL đã bỏ phiếu ủng hộ kêu gọi tất cả các lực lượng đối lập Syria hãy tập trung về Cairo nhằm thống nhất kế hoạch duy nhất về quản lý chuyển giao quyền lực sắp tới tại Syria.

Quyết định trên của AL diễn ra trong bối cảnh bạo lực tiếp tục bùng phát tại Syria gây nhiều thương vong. Hồi tuần trước, đã có ít nhất 19 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình - một ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Al Assad đạt thỏa thuận hòa bình với AL. Theo kế hoạch do AL đề xuất nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài 7 tháng qua, Chính phủ Syria phải chấm dứt hoàn toàn bạo lực, rút quân đội khỏi các thành phố và các khu vực dân cư, và trả tự do cho những người biểu tình bị bắt giữ. Theo Liên hợp quốc, tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình từ giữa tháng 3-2011 ở Syria đã khiến hơn 3.500 người thiệt mạng.

Trước quyết định của AL, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 12-11 đã hoan nghênh “vai trò lãnh đạo” của AL trong việc đình chỉ tư cách thành viên của Syria, khiến chính quyền Damascus thêm bị cô lập. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đánh giá quyết định của AL thể hiện một quan điểm mạnh mẽ nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực tại Syria và bảo vệ dân thường nước này. Liên minh châu Âu (EU) cùng ngày cho biết các nước thành viên khối này “hoàn toàn ủng hộ” quyết định của AL.

Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết quyết định của AL chứng tỏ “nỗi thất vọng” của các thành viên trong tổ chức này về sự không khoan nhượng đối với Tổng thống Assad - một động thái hiếm hoi chứng tỏ sự đoàn kết của AL chống lại một nhà lãnh đạo khu vực. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe đã hối thúc cộng đồng quốc tế hành động nhanh chóng nhằm “chấm dứt bạo lực, bảo vệ dân thường và cho phép một tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria”.

Trong khi các nước phương Tây đồng loạt lên tiếng ủng hộ quyết định của AL, thì bên phía chính quyền Syria đã có phản ứng đầu tiên về quyết định trên. Đại sứ Syria tại AL, ông Yusuf Ahmad cho biết quyết định của AL là bất hợp pháp và đi ngược lại với các nguyên tắc của AL. Ông Ahmad cáo buộc AL hành động “theo chương trình nghị sự của phương Tây và Mỹ” khi đưa ra một quyết định kiểu như vậy. Ông Ahmad cho rằng quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Damascus tại AL nên được tất cả các thành viên nhất trí thông qua, chứ không nên đưa ra theo hình thức đa số. 

VIỆT ANH (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông