Suýt chết vì bị 6.000 con vi khuẩn liên cầu lợn tấn công

01:19 11/06/2016

Vi khuẩn liên cầu lợn tấn công phá hủy tế bào, hồng cầu khiến ông Tấn hành nghề mổ lợn phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
 
Chiều 9/6, bác sĩ Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết vừa điều trị khỏi cho bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn hiếm gặp.
 
Theo bác sĩ Bính, ngày 1/6, ông Phạm Tấn (52 tuổi, quê ở An Giang) được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị trong tình trạng sốt cao, nôn ói, nhức đầu, tri giác lơ mơ… nam bệnh nhân được xác định mắc liên cầu khuẩn lợn. Đây là loại vi khuẩn nguy hiểm có thể gây chết người từ loài gia súc tấn công. Tên khoa học của loại vi khuẩn này là Streptococcus - một loại vi khuẩn tạo ra bệnh đường hô hấp cho heo nhưng có khả năng lây lan sang người và tạo thành dịch) 
 
Người nhà bệnh nhân cho biết, ông Tấn hành nghề giết mổ lợn. Qua chẩn đoán ban đầu, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn nên lấy dịch não tủy kiểm tra. Kết quả xét nghiệm xác định, người bệnh dương tính với liên cầu khuẩn lợn do 6.000 con vi khuẩn tấn công. Theo bác sĩ Bính, đây là một trường hợp rất hiếm gặp nên ngay từ đầu bệnh nhân phải điều trị tích cực bằng kháng sinh, ngăn chặn tình trạng viêm màng não.
 
Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, người bệnh rơi vào hôn mê, phải thở máy, nguy cơ suy đa cơ quan. Sau 2 ngày thở máy liên tục, kết hợp điều trị tích cực, các chỉ số sinh hiệu của người bệnh dần phục hồi. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
 
 Sau 8 ngày điều trị, bệnh nhân bị 6.000 con vi khuẩn liên cầu lợn tấn công đã được hồi phục. Ảnh: N.H
Sau 8 ngày điều trị, bệnh nhân bị 6.000 con vi khuẩn liên cầu lợn tấn công đã được hồi phục. Ảnh: N.H
Theo bác sĩ Bính, liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của vật chủ, người giết mổ, mua bán thịt heo, chế biến thịt bị nhiễm khuẩn sẽ bị vi khuẩn xâm nhập thông qua các vết xước trên cơ thể. Thịt lợn chưa nấu chín, tiết canh… là những thực phẩm có nguy cơ lây bệnh cao.
 
Khi vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn xâm nhập vào cơ thể, thời gian phát bệnh có thể sẽ diễn ra trong vài giờ đến vài ngày. Thời gian ủ bệnh càng ngắn, độc lực càng mạnh. Khởi phát của bệnh thường bắt đầu bị sốt, phát ban, đau họng nhức đầu ói mửa. Tuy nhiên, những biểu hiện này cũng giống các bệnh khác nên rất dễ nhầm lẫn.
 
Liên cầu khuẩn lợn có thể gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, sốc nhiễm độc, suy đa tạng. Bệnh nhân nhập viện trễ, vào sốc nguy cơ tử vong có thể chiếm tới 70% đến 80%. Những bệnh nhân may mắn qua được điều trị cũng sẽ phải đối mặt với các nguy cơ, mất thính lực, liệt nửa người do tổn thương hệ thần kinh.
 
Bác sĩ Bính cũng cảnh báo cộng đồng nên chủ động các giải pháp phòng ngừa, cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch sau khi tiếp xúc với lợn hoặc chế biến thịt lợn. Tuyệt đối không ăn thịt khi chưa nấu chín, không ăn tiết canh. Những trường hợp có tiền sử tiếp xúc với heo, ăn thịt heo nấu chưa chín hoặc các món tươi sống chế biến từ heo nếu gặp phải các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, nôn ói, mê man, kích động… cần đến bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
 
Theo Khánh Trung/Zing


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông