Sáng 6-5, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cho biết sẽ giải tán hạ viện trong tháng 9 để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 14-11 theo “lộ trình hòa giải” do ông đề xuất trước đó.
| Phe áo đỏ tắm giặt tại nơi biểu tình |
Đây là lần đầu tiên kể từ khi phe "áo đỏ" tiến hành các cuộcbiểu tìnhphản đối chính phủ hồi giữa tháng Ba vừa qua, Thủ tướng Abhisit đưa ra một khung thời gian rõ ràng cho việc tổ chức bầu cử. Theo luật bầu cử Thái Lan, việc giải tán quốc hội phải diễn ra trước thời điểm bầu cử khoảng 45 - 60 ngày. Vì vậy, các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ cầm quyền đang tổ chức hội đàm tại Quốc hội để bàn thảo chính xác ngày giải tán hạ viện.
Lộ trình hòa giải của ông Abhisit được coi là động thái nhằm chấm dứt làn sóng biểu tình của phe "áo đỏ" trong gần hai tháng qua ở thủ đô Bangkok. Tuy nhiên, trong sáng 6-5, những người biểu tình "áo đỏ" vẫn tập trung ở trung tâm thủ đô, nhưng mức độ căng thẳng đã giảm đi nhiều. Dù vậy, các hoạt động thương mại và giao thông tại trung tâm mua sắm Ratchaprasong vẫn bị tê liệt.
Các lãnh đạo áo đỏ đều lên tiếng ủng hộ lộ trình hòa giải, nhưng khẳng định sẽ chỉ rút đi khi chính quyền công bố ngày giải tán hạ viện chính xác. Ông Weng Tojirakarn, một lãnh đạo áo đỏ, cho hay: “Đảng Dân chủ từng nhiều lần thất hứa và chúng tôi không tin tưởng họ cũng như ông Abhisit”. Hiện tại, áo đỏ và chính quyền vẫn còn rất nhiều bất đồng. Áo đỏ muốn các chi tiết rõ ràng của lộ trình hòa giải và đặt ra năm điều kiện để giải tán: chính quyền ngừng ban bố tình trạng khẩn cấp; đưa lực lượng an ninh về các doanh trại;chấm dứt tuyên truyền chống áo đỏ; cho phép truyền thông của áo đỏ hoạt động trở lại và ngừng tạo bằng chứng giả để truy tố các lãnh đạo áo đỏ.
Báo chí Thái Lan nhận xétcho biết nhiều khả năng chính quyền Abhisit sẽ đồng ý ân xá mọi án chính trị, bao gồm lệnh cấm tham gia chính trường trong năm năm đối với 111 chính trị gia năm 2007 và 109 người năm 2008. Đảng Dân chủ ủng hộ điều kiện này bởi phía Đảng Dân chủ cũng có nhiều chính trị gia bị cấm hoạt động. Tuy nhiên, chính quyền khẳng định sẽ không ân xá các cáo trạng khủng bố, nổi loạn. Các lãnh đạo áo đỏ cho biết họ không cần ân xá các cáo trạng hình sự, nhưng đòi hỏi chính quyền phải có sự đối xử công bằng với các cá nhân trong chính phủ và lãnh đạo phe áo vàng.
Theo các nhà quan sát chính trị, cơn ác mộng chính trị ở Thái Lan khó mà giải quyết tận gốc rễ. Nguyên nhân đó là cuộc xung đột lợi ích mà không thể biến mất trong một thời gian ngắn giữa một bên là tầng lớp người dân nghèo với một bên và các tầng lớp trung và thượng lưu. Nếu lần này những người biểu tình “áo đỏ” có đạt được mục đích của họ, thì những người biểu tình “áo vàng” ủng hộ tầng lớp trung và thượng lưu cũng sẽ xuống đường. Cứ như vậy, cái vòng luẩn quẩn này sẽ tiếp tục mãi cho đến khi Thái Lan tìm được một giải pháp có thể dung hoà được cả hai phe phái này. Và một giải pháp như vậy không phải là dễ tìm.
VIỆT ANH (tổng hợp) |