Thặng dư thương mại quý I đạt trên 3,7 tỷ USD

20:07 18/04/2020

Sau những tháng đầu năm gặp khó khăn trong việc xuất khẩu, bước sang tháng 3, tình hình đã dần được cải thiện với việc cả trị giá xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng so với tháng trước. Qua đó đưa mức thặng dư thương mại của cả nước trong quý I/2020 đạt 3,74 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 46,28 tỷ USD, tăng 17,4% so với tháng 2-2020. Tháng 3, trị giá xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng so với tháng trước. Trong đó xuất khẩu đạt 24,13 tỷ USD, tăng 15,7% so với tháng trước (tương ứng tăng 3,28 tỷ USD); nhập khẩu đạt 22,15 tỷ USD, tăng 19,2% (tương ứng tăng 3,57 tỷ USD).

Tính đến hết tháng 3/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 122,73 tỷ USD, tăng 5,7% (tương ứng tăng 6,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 63,23 tỷ USD, tăng 7,5% và nhập khẩu đạt 59,49 tỷ USD, tăng 3,7%.

Xuất khẩu những tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng trưởng là điểm sáng của bức tranh kinh tế nước ta

Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 3/2020 thặng dư 1,98 tỷ USD. Qua đó đưa mức thặng dư thương mại của cả nước trong quý I/2020 đạt 3,74 tỷ USD.

Đóng góp lớn trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước vẫn là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 16,33 tỷ USD trong tháng 3, tăng 13% so với tháng 2, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong quí I/2020 lên 42,55 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 3/2020 có mức thặng dư trị giá 3,39 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong quí đầu của năm 2020 lên mức thặng dư trị giá 7,74 tỷ USD.

Trong quí  I/2020, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,8%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu trong 3 tháng của năm 2020 với thị trường này đạt 79,52 tỷ USD, tăng 4 % so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó trị giá xuất khẩu là 31,47 tỷ USD, tăng 5,1% và trị giá nhập khẩu là 48,04 tỷ USD, tăng 3,3%.

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Mỹ đạt 24,35 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2019 và là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 tháng đầu năm nay.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Âu: 15,16 tỷ USD, giảm 2,8%; châu Đại Dương: 2,37 tỷ USD, tăng 10,2% và châu Phi: 1,33 tỷ USD, giảm 2% so với quý I/2019.

Tháng 3/2020 xuất khẩu của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt trị giá 5,32 tỷ USD, tăng 9,2% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong quí I/2020 đạt 12,88 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 3 tháng, xuất khẩu nhóm hàng này sang EU (28 nước) đạt 2,95 tỷ USD, giảm 13,4%; xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 2,67 tỷ USD, tăng 1,1%; sang thị trường Trung Quốc đạt 1,98 tỷ USD, tăng gấp 3,87 lần; sang thị trường Hàn Quốc đạt 1,23 tỷ USD, giảm 1,4%... so với cùng kỳ năm trước.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trị giá xuất khẩu trong tháng 3 đạt 3,69 tỷ USD, tăng 34,5% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2020 đạt 9,08 tỷ USD tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 3 đạt 2,34 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước. Qua đó, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2020 đạt 7,03 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I, Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 3,3 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 47% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; đứng thứ 2 là thị trường Nhật Bản với 914 triệu USD, tăng 2%; thị trường EU (28 nước) đứng thứ ba với 806 triệu USD, giảm 6,1%...

Với nhóm hàng nông sản (bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su), xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 3 đạt 1,62 tỷ USD, tăng 32,1% so với tháng trước. Đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 3 tháng đầu năm đạt 3,98 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 với 1,15 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2019; tiếp theo là thị trường EU (28 nước) là 684 triệu USD, tăng 5,5%; sang Hoa Kỳ với 402 triệu USD, tăng 7%...

Xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 3/2020 đạt 1,39 tỷ USD, tăng 2,4% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu giày dép của cả nước trong quý I/2020 đạt 4,15 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ và EU là 2 thị trường chính nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam trong quý I/2020 với kim ngạch và tốc độ tăng lần lượt là 1,56 tỷ USD (tăng 10%) và 1,05 tỷ USD (giảm nhẹ 0,7%). Tính chung, trị giá nhóm hàng giày dép xuất khẩu sang 2 thị trường chính đạt 2,61 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Như vậy có thể thấy, mặc dù nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid – 19 nhưng điểm sáng ở lĩnh vực kinh tế trong quý 1-2020 vẫn là cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư tới 3,74 tỉ USD.

Ngọc Oanh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông