Thẻ BHYT - “Phao cứu sinh” của người bệnh

10:27 30/06/2020

Tai nạn, bệnh nan y, mãn tính… không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, đảo lộn sinh hoạt mà còn làm kinh tế nhiều gia đình lao đao, kiệt quệ vì chi phí khám chữa bệnh (KCB). Thực tế đã chứng minh một khi đã lâm vào cảnh ốm đau, bệnh trọng thì tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) có ý nghĩa to lớn đến nhường nào trong việc gánh đỡ các chi phí KCB. Do vậy từ nhiều năm nay, BHYT đã mặc định được xem là “phao cứu sinh”, thành “thẻ hộ mệnh” không thể không có của mỗi người…

“Hộ mệnh” kịp thời

Cách đây 3 tháng, bà Phạm Thị Nh, 68 tuổi, ở Khúc Thừa Dụ, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, phải nhập viện do đột quỵ não… Sau gần 76 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của bà đã ổn định. Tổng chi phí điều trị cho ca bệnh của bà lên tới gần 380 triệu đồng. Đây là một số tiền rất lớn đối với bà và gia đình.

Tuy nhiên, nhờ có thẻ BHYT, gia đình bà chỉ phải chi trả một phần tiền viện phí. Bà Nh chia sẻ, nhờ có thẻ BHYT mà đợt điều trị bệnh vừa qua, dù mắc bệnh khá nặng nhưng bà và gia đình vẫn rất yên tâm chữa bệnh tới khi khỏi hẳn…

Những người không may phải chạy thận sẽ đối mặt với gánh nặng kinh tế rất lớn nếu không có thẻ BHYT

Đối với bà Vũ Thị T., 78 tuổi, ở phường Hồ Nam, tuổi cao, nhiều bệnh nền kèm theo khiến sức khỏe suy yếu nghiêm trọng. Đợt viêm phổi vừa qua bà phải nằm viện 37 ngày với tổng kinh phí điều trị tới 340 triệu đồng.

Bà cho biết, với số tiền lên tới trên 300 triệu đó thì gia đình có kinh tế trung bình cũng lao đao chứ nói gì đến hộ khó khăn. Bởi vậy nếu không có thẻ BHYT thì có lẽ không biết gia đình xoay xở vào đâu.

Có mặt tại Khoa Thận – Tiết niệu và Lọc máu (Bệnh viện Giao thông vận tải), mới hiểu hết ý nghĩa của chính sách BHYT đối với người nghèo và cận nghèo. Mới tầm đầu buổi sáng vậy mà tại phòng Lọc máu, các giường bệnh đã kín người nằm. Vừa bắt đầu ca chạy thận nên khi tiếp chuyện với chúng tôi, gương mặt chị Nguyễn Thị Hiên, sinh năm 1971, ở đường Dư Hàng Kênh, không giấu được vẻ mệt mỏi. “Mang cái bệnh này vào người như treo án trên đầu cô ạ. Cứ quanh năm suốt tháng quanh quẩn với lịch trình 3 lần 1 tuần đến đây để chạy thận, không đi đâu xa được”. 

Hơn 17 năm mang trong mình bệnh trọng, chị Hiên ngoài suy thận mãn còn mang thêm bệnh tiểu đường. Liên tiếp những tai ương ốm đau ập xuống không chỉ khiến chị Hiên từ người phụ nữ có thể lực, hoạt bát trở nên gầy gò, ốm yếu mà còn khiến cho kinh tế gia đình khánh kiệt. Để cứu vợ, chồng chị đã quyết định bán nhà. Tiền bán nhà một phần để mua căn nhà nhỏ làm chỗ ra vào cho cả gia đình; phần còn lại để chị chữa bệnh.

“Trong cái rủi cũng có cái may. Năm kia khi số tiền dư ra không còn đủ để chữa trị, ông nhà tôi đang tính bán nốt cái nhà nhưng tôi gàn; định chấp nhận buông xuôi tất cả thì được nhà nước hỗ trợ cho tấm thẻ BHYT cho người nghèo. Giờ đây mọi chi phí được BHYT thanh toán 100%, đúng là đỡ được gánh nặng ngàn cân”. Hỏi chuyện mới biết, chị Hiên trước vốn là tiểu thương tại chợ Tam Bạc. Trước có sức khỏe, chị chủ quan không mua thẻ BHYT, vì vậy khi mắc bệnh hiểm nghèo đột ngột, để chữa trị, gia đình chị rơi vào tình trạng nghèo hóa nhanh chóng…

Theo bác sỹ Bùi Thị Hiền, giám định viên thường trực tại Bệnh viện Giao thông vận tải: Người chạy thận nếu không có thẻ BHYT sẽ phải đối mặt với gánh nặng chi phí lớn vì từ ngày 1-6-2017, 1.900 dịch vụ y tế tăng giá, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2-3 lần so với giá cũ. Nêu bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí. Còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả 100% chi phí. “Nhiều bệnh nhân chạy thận ở đây sau khi có tấm thẻ BHYT làm “bùa hộ mệnh” đã bớt bi quan, tiêu cực và dần ổn định tâm lý. Từ đó hỗ trợ tích cực trong quá trình điều trị - bác sỹ Hiền cho biết thêm…

“Phao cứu sinh” của người bệnh

Khi chẳng may mắc bệnh trọng, bệnh nan y, mãn tính với chi phí điều trị cao, kéo dài thì bệnh tật có thể làm cho gia đình kinh tế khá giả suy kiệt, người nghèo lại càng khó khăn, khốn khó thêm. 

Theo Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng - BHXH thành phố Hải Phòng Nguyễn Quang Minh: Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có tới 843.832 lượt bệnh nhân KCB BHYT với tổng số tiền đề nghị cơ quan BHXH TP thanh toán cho các cơ sở KCB là 688,289 tỷ đồng.

Trong đó có 4 lượt bệnh nhân có tổng chi phí điều trị nội trú trên 300 triệu đồng, 224 lượt bệnh nhân tổng chi phí điều trị từ 100-300 triệu đồng; 129 bệnh nhân đi KCB từ 50-99 lần với tổng số tiền đề nghị thanh toán là 1,025 tỷ đồng và 9 bệnh nhân đi KCB từ 100 lần trở lên với tổng số tiền đề nghị thanh toán lên tới 5,842 tỷ đồng.

Thẻ BHYT được coi là “phao cứu sinh” hỗ trợ người bệnh chống chọi với bệnh tật và giảm áp lực về chi phí KCB

Ông Minh phân tích: Đơn cử với nhóm bệnh nhân nhóm thẻ hưu trí được hưởng quyền lợi hưởng BHYT 95%, thì có 67 lượt bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp với tổng chi phí KCB trên 23,943 tỷ đồng. Trong đó chi phí thuốc là 6,081 tỷ đồng; chi phí thủ thuật, phẫu thuật 1,891 tỷ đồng; chi phí vật tư y tế 4,434 tỷ đồng; chi phí xét nghiệm 1,197 tỷ đồng; chi phí tiền giường 1,879 tỷ đồng…

Nhóm bệnh nhân có mã thẻ hộ gia đình, quyền lợi hưởng BHYT 80%, có 33 lượt bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp với tổng chi phí KCB trên 4,27 tỷ đồng. Trong đó chi phí thuốc 894,546 triệu đồng; chi phí thủ thuật, phẫu thuật 337,086 triệu đồng; chi phí vật tư y tế 1,176 tỷ đồng; chi phí xét nghiệm 175,677 triệu đồng; chi phí tiền giường 317,034 triệu đồng…

Nhóm bệnh nhân trẻ em dưới 6 tuổi, quyền lợi hưởng BHYT 100%, có 17 lượt bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng với tổng chi phí KCB trên 2,393 tỷ đồng. Trong đó: Chi phí thuốc 1,492 tỷ đồng; chi phí thủ thuật, phẫu thuật 305,434 triệu đồng; chi phí vật tư y tế 70,847 triệu đồng; chi phí xét nghiệm 107,546 triệu đồng; chi phí tiền giường 356,828 triệu đồng… 

 Qua những trường hợp trên có thể thấy, với số tiền mua thẻ BHYT 804.600 đồng/năm khi chẳng may ốm đau, bệnh tật…, người tham gia sẽ được quỹ BHYT chi trả tiền KCB lớn hơn gấp nhiều lần từ sự chia sẻ của cộng đồng qua chính sách này. Vì vậy, tham gia BHYT hàng năm là một việc làm cần thiết để mỗi người dân bảo vệ sức khoẻ, kinh tế của bản thân và gia đình. Đồng thời thông qua việc tham gia BHYT, mỗi người dân còn thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp.

Những năm gần đây, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT đã giúp cho người có thẻ BHYT được tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ BHYT chi trả khi KCB đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả bệnh hiểm nghèo, phải chi trả số tiền lớn, người tham gia BHYT cũng sẽ được KCB chu đáo, không phân biệt giàu nghèo.

Người có thẻ BHYT khi KCB đúng tuyến, được quỹ BHYT cho trả 80%, 95% hoặc 100% chi phí KCB tùy thuộc vào nhóm đối tượng. Trong khi bệnh nhân không có thẻ BHYT khi khám dịch vụ sẽ phải chi trả 100% toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh.

Điều đáng nói là nguy cơ bệnh tật đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi giá các dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng dần theo mức tính đủ các yếu tố thì việc tham gia BHYT là một lựa chọn đúng đắn, sáng suốt, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính, chi phí khám chữa bệnh đối với từng người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Lộc – Quyền Giám đốc BHXH TP: Xác định BHYT là chính sách lớn góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tiến đến công bằng trong việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, thời gian qua, Hải Phòng triển khai nhiều giải pháp nâng độ bao phủ BHYT trong dân. Ngành BHXH sẽ tiếp tục phối hợp với ngành y tế cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, tránh gây phiền hà.

Qua đó tạo mọi thuận lợi điều kiện khi người dân được khám điều trị hiệu quả để BHYT không chỉ là cứu cánh cho bệnh nhân nghèo, mà còn là sự chia sẻ của cả cộng đồng trong thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông