Sau mỗi thảm hoạ động đất, sóng thần hay bão tố, tại các nước nghèo nhất nhì như Haiti hay các nước phát triển như Mỹ, Anh, New Zeland, Chile,… đều xảy ra nạn cướp bóc, hôi của. Tại Nhật Bản thì khác. Hình ảnh người dân xứ mặt trời mọc kiên nhẫn, trật tự xếp hàng chờ đến lượt mình nhận thực phẩm, dầu hoả và nước sạch đã khiến cả thế giới khâm phục.
| Người dân xếp hàng lấy nước sạch |
Ngày 22-2 vừa qua, trận động đất mạnh 6,3 độ richter đã huỷ hoại phần lớn thành phố Christchurch của quốc đảo New Zealand. Ít nhất 166 người thiệt mạng và hàng chục người khác mất tích. Chỉ sau đó 1 ngày, hàng chục vụ cướp tài sản, lương thực xảy ra khiến cảnh sát Christchurch đau đầu, đến nỗi thành phố phải ban bố lệnh giới nghiêm. Tại Haiti, tình trạng cướp bóc sau thảm hoạ còn kinh hoàng hơn khi đầu năm 2010 trận động đất mạnh 7,3 độ richter giết chết 220.000 người, phá huỷ hầu như toàn bộ thủ đô Port-au-Prince.
Tại Chile, trận động đất mạnh 8,8 độ richter kèm sóng thần xảy ra ngày 27-2-2010 khiến người dân hoảng loạn. Các siêu thị, cửa hàng bị cướp hết hàng hoá. Tình trạng tồi tệ đến mức cảnh sát phải sử dụng đạn hơi cay để ngăn cản những tên cướp quá khích. Nữ Tổng thống Bachelet phải kêu gọi người dân vùng bị nạn giữ bình tĩnh và nhấn mạnh “cướp bóc là hành động không thể tha thứ”. Sau đó, quân đội xuất hiện kết hợp với cảnh sát mới đẩy lùi được tình trạng hôi của, đảm bảo an toàn cho công tác cứu trợ.
Nước Mỹ tự hào là giàu có và văn minh cũng không tránh khỏi nạn cướp bóc xảy ra liền sau thảm hoạ. Năm 2002, siêu bão Katrina ập vào miền đông nam nước này khiến hàng nghìn người ở thành phố New Orleans chết. Cảnh sát không thể tập trung vào nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ vì họ còn bận giải quyết tình trạng cướp phá. Nước Anh cũng không là ngoại lệ. Trong trận lụt kinh hoàng năm 2007 ở West Country, nhiều xe cộ bỏ không đã bị đập phá, các thùng nước miễn phí bị đánh cắp. Cảnh sát cũng bất lực…
Tình hình ở nước Nhật thì đối lập hoàn toàn. Dù các thành phố ven biển bị sóng thần quét sạch, dù hàng nghìn người được dự báo là đã chết, nhưng những người còn sống vẫn rất bình tĩnh. Trật tự xã hội được đảm bảo và không hề xảy ra than vãn, cướp bóc và hôi của. Tại các điểm cứu trợ, hàng trăm người kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt lấy dầu hoả, nước sạch. Trước các cửa siêu thị còn hoạt động, không thấy ai chen lấn để giành quyền vào mua thực phẩm trước. Để tránh tích trữ và đảm bảo cho người xếp cuối hàng, các cửa hàng đã phân phát lương thực và nước uống theo khẩu phần cho từng người.
Cho dù nguồn cung cấp đang rất khan hiếm, các điểm bán hàng vẫn không hề tăng giá bất cứ mặt hàng nào. Siêu thị còn giảm giá tới 20% nhiều mặt hàng để kích thích người mua. Nước uống cũng được tặng miễn phí cho đội cứu hộ và những người tình nguyện. Điều này được giải thích là để đảm bảo cùng nhau sinh tồn trong thảm hoạ. Thứ hai, giá rẻ thì hàng bán nhanh hết và siêu thị không lo bị động đất hay sóng thần tràn vào phá huỷ lần hai. Vậy là, sau 4 ngày xảy ra thảm hoạ khủng khiếp, truyền thông thế giới chưa ghi nhận bất cứ vụ hôi của, cướp bóc nào xảy ra ở Nhật Bản.
Xã luận của Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) viết: “Sau trận động đất kinh hoàng hàng trăm năm mới có một lần, người Nhật đã giữ được bình tĩnh giữa tình trạng loạn lạc, thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn khổng lồ, và nhận được sự ngưỡng mộ của cả thế giới”. Nhà báo Ed West thì viết trên tờ Telegraph (Anh) với lời lẽ khâm phục: “Tinh thần đoàn kết đặc biệt cao tại Nhật Bản. Sức mạnh xã hội có thể còn ấn tượng hơn sức mạnh công nghệ của Nhật Bản. Tại sao một số nền văn hóa đối phó với thảm họa bằng cách biến của cải của người khác thành của mình nhưng các nơi khác, đặc biệt là người Nhật, lại chứng tỏ lòng vị tha trong thảm họa?”.
Như để trả lời câu hỏi trên, các nhà quan sát giải thích rằng “là do người Nhật lịch sự, trung thực, hành động có trật tự...”. Giáo sư Joseph Nye đến từ đại học Havard (Mỹ) nhận xét: “Cho dù thảm họa này là to lớn, nó cho thấy một số nét tính cách tuyệt vời của người Nhật. Họ cho thấy một xã hội ổn định, kỷ luật tốt và được chuẩn bị sẵn sàng cho những thảm họa, một quốc gia hiện đại. Họ đối phó với thảm họa một cách bình tĩnh và trật tự”. Còn ông Gregory Pflugfelder, giám đốc trung tâm Văn hóa Nhật tại Đại học Colombia (Mỹ), khẳng định: “Người Nhật có ý thức rằng mỗi cá nhân trước hết phải có trách nhiệm với cộng đồng”.
VIỆT ANH |