Thi Hoàng - thi sĩ nối mạch tài hoa người miền biển

16:58 06/02/2022

Vùng đất Hải Phòng lưu giữ được nhiều truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa truyền lại: Truyền thống hào hùng lấn biển mở đất, đánh giặc giữ nước, giữ nhà và truyền thống học hành, khoa cử, thi thư văn hiến. Người dân miền biển kiên cường, anh dũng nhưng cũng rất tài hoa, trí tuệ, thời nào cũng có nhân tài đóng góp cho nền văn hóa của quê hương, đất nước.

Mạch nguồn thi ca nơi cửa biển

Hải Phòng từ xưa có nhiều đất học nổi tiếng như làng Trung Am (Vĩnh Bảo), Thạch Lựu (An Lão), Lê Xá (Kiến Thuỵ) và đặc biệt là Cổ Am (Vĩnh Bảo) vang danh sánh với làng khoa cử Hành Thiện ở tỉnh Nam Định (Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện). Trong suốt chiều dài thời phong kiến, trải qua 183 khoa thi từ năm 1075 đến năm 1919, Hải Phòng đã đóng góp cho đất nước 86 vị đại khoa (từ Tiến sỹ trở lên), trong đó tiêu biểu như các Trạng nguyên Lê Ích Mộc, Trần Tất Văn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bảng nhãn Đào Công Chính, Thám hoa Lưu Thư Ngạn, Hoàng giáp Lê Khắc Cần, Nguyễn Bá Tùng, Tiến sỹ Nhữ Văn Lan.

Thi sĩ Thi Hoàng

Song song với truyền thống khoa bảng là truyền thống thi thư, vì hầu hết các nhà Nho đỗ đạt thường cũng là nhà thơ, giỏi từ chương thi phú, rực rỡ nhất là Trạng nguyên Triều Mạc, nhà tiên tri, nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, quê ở Lý Học, Vĩnh Bảo, cây đại thụ của văn chương Việt Nam ở thế kỷ XVI. Các vị đại khoa người Hải Phòng khác cũng để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm có giá trị, tạo nên mạch nguồn văn hóa Hải Phòng, thuộc văn hóa xứ Đông.

Đầu thế kỷ XX, chế độ phong kiến Việt Nam lụi tàn, cùng với đó là nền văn chương thi phú ảnh hưởng Nho học dừng bước, nhường chỗ cho nền văn chương, thi ca hiện đại ra đời. Vào điểm giao thời quan trọng ấy, trên vùng đất Hải Phòng đã xuất hiện một tài năng dựng nên nền Thơ mới của Việt Nam: đó là Thế Lữ. Trong tác phẩm “Thi nhân Việt Nam”, hai nhà phê bình văn học Hoài Thanh, Hoài Chân đã trân trọng đánh giá về Thế Lữ: “ Độ ấy Thơ Mới vừa ra đời, Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết, Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ.

Trong phong trào này Hải Phòng còn có thi sĩ Lan Sơn tên thật là Nguyễn Đức Phòng (1912 - 1974), cựu học sinh Trường Bonnal từ năm 1925 đến năm 1930, ông có tập thơ “Anh với em” xuất bản năm 1934, được tuyển chọn và giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân.

Đến giai đoạn 1940 - 1945, “Thơ mới” bước vào giai đoạn thoái trào, chính thức chấm dứt vào năm 1945. Và người được ghi nhận đánh dấu sự kết thúc của Thơ mới chính là một nhân tài đất Cảng khác: Văn Cao, thi sĩ, nhạc sĩ này với bài thơ rất hay của mình: “Tiếng xe xác qua phường Dạ Lạc” đã kết thúc cả một thời đại thi ca cũ.

Hiện tượng Thi Hoàng

Đến thời chống Mỹ, Hải Phòng lại đóng góp một tài năng mới cho đất nước: Thi Hoàng, người tiếp nối mạch tài hoa của các thế hệ cha anh đi trước. Thi Hoàng, sinh năm 1943 tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng, tên thật là Hoàng Văn Bộ, năm 1967, ông nhập ngũ rồi vào chiến trường miền Nam chiến đấu, sau một thời gian ông bị thương, được chuyển ra Bắc điều trị, rồi phục viên. Năm 1976, Thi Hoàng chuyển về công tác tại Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Hải Phòng cho đến khi nghỉ hưu năm 2004. Thi Hoàng là một hiện tượng nổi bật của thi ca đương đại Việt Nam.

“Có một người bạn làm thơ vốn định kiến về thơ miền Bắc trước năm 1975 là khô khan, chẳng có gì lạ cả. Tôi bèn đưa cho ông ta hai câu thơ của Thi Hoàng, bảo xin ông hãy tìm và thơ hiện đại Việt một câu tương đương: “Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc/ Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh”(trong bài “Ở giữa cây và nền trời”, đăng Báo Văn nghệ năm 1968- Nguyễn Dương chú thích). Sau hai tuần tìm kiếm, ông ta lắc đầu nói: Chịu, câu thơ gan ruột cỡ đó, khó có thể tìm được một câu khác so sánh. Ông là nhà thơ có nhiều câu thơ hay vào loại nhất trong các nhà thơ có câu thơ hay cùng thời. Tôi yêu Thi Hoàng khi ông bay bổng: “Đám mây màu thiếu nữ/ bay ngang mình hai ta”, khi ông hiện thực trong bài Ba lô con cóc: “Nghe đằng sau thấp thỏm/ Như ai đi với mình”. Tôi càng yêu Thi Hoàng hơn nữa khi ông viết những câu thơ rất hay về nỗi cô đơn của kiếp người: “Những buổi chiều không biết cất vào đâu”. (trích tập phê bình văn học “Thơ, phản thơ” được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Văn học ấn hành năm 1997).

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, ông vẫn phát huy tài năng với bút lực thật dồi dào, đặc biệt thành công với hai tác phẩm “Gọi nhau qua vách núi” (trường ca, 1995) và “Bóng ai gió tạt” (2001) khiến tên tuổi và tác phẩm của Thi Hoàng trở thành hiện tượng, nhận được nhiều giải thưởng cao quý và tình cảm ngưỡng mộ của người yêu thơ Việt Nam. Bài “Sự cách tân của những liên tưởng độc đáo” trên báo Văn nghệ trẻ ca ngợi ông “nổi bật lên trong số rất ít những nhà cách tân của thơ đương đại Việt Nam”.

Cống hiến không mệt mỏi, ông được tôn vinh bằng Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1996), Giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2001), Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm của Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007). Ông bộc bạch: “Tôi quan niệm, văn chương nói chung và thơ nói riêng phải quyến rũ người đọc chứ không nên đuổi bắt độc giả... Tôi ủng hộ việc cách tân thơ nhưng cách tân không có nghĩa là chỉ đơn giản là bẻ gãy câu thơ, phá bỏ cấu trúc, ngữ pháp, khoa trương ngôn từ... Làm như thế, thơ chỉ là một đống xác chữ chứ không tạo ra những câu thơ làm rưng rưng người đọc và cũng không thể tạo ra những câu thơ vui buồn khi cần người ta có thể mang ra ngẫm ngợi hoặc chia sẻ.” (theo bài “Thi Hoàng: Làm thơ giống đang yêu” của tác giả Nông Huyền Diệu đăng trên Tiền phong điện tử tienphong.vn ngày 04-1-2015).

Ông xứng đáng là người tiếp nối mạch nguồn tài hoa người miền biển, người tiếp lửa cho các thế hệ trẻ tài năng của thi ca Đất Cảng sau này.

Nguyễn Dương

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông