17:03 02/01/2020 Tết Nguyên đán đang tới gần, nỗi lo về nguồn cung, chất lượng cũng như giá cả thực phẩm, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn – một trong những sản phẩm không thể thiếu trong đời sống hàng ngày cũng như những dịp lễ tết của người dân cả nước đang là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Trước tác động ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian qua, liệu sản lượng cũng như giá cả thịt lợn hơi trên địa bàn thành phố sẽ biến động ra sao trong dịp Tết này? Xung quanh vấn đề này, báo ANHP có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố.
PV: Xin ông cho biết, dịch tả lợn Châu Phi đã ảnh hưởng như thế nào đến tình hình chăn nuôi lợn của bà con nông dân trên địa bàn thành phố? Hải Phòng đã triển khai công tác tái đàn sau dịch ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) phát sinh, lan rộng trên địa bàn thành phố gây thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp nói chung, lĩnh vực sản xuất chăn nuôi nói riêng của người dân. Từ ngày 22-2 đến ngày 31-12, dịch đã phát sinh tại 19.256 hộ, ở 1.225 thôn, thuộc 175 xã, phường, trên địa bàn 13 huyện, quận. Số lợn buộc phải tiêu hủy lên đến 183.156 con, chiếm 53,22% tổng đàn trước dịch; trọng lượng gần 9.733,6 tấn. Ước tính tổng kinh phí thiệt hại do dịch gây ra khoảng trên 470 tỷ đồng.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng không chỉ thiệt hại do lợn bị tiêu hủy, mà còn ảnh hưởng đến công tác tái đàn, khôi phục lại sản xuất. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường, các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP, Sở NN&PTNT đã ban hành các Công văn về việc xử lý thức ăn chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi bị DTLCP; khuyến cáo một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống dịch; kiểm soát việc tái đàn lợn, chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Thời gian qua, bệnh dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng tạm lắng, nhưng công tác phòng, chống dịch vẫn phải xác định lâu dài.
Theo báo cáo của các địa phương đến tháng 12-2019, toàn thành phố có 1.952 cơ sở chăn nuôi tái đàn, quy mô tái đàn 84.812 con.
Tuy nhiên do DLTCP diễn biến rất phức tạp, lây lan trên diện rộng, mầm bệnh do virus dễ phát tán và lây lan trong môi trường, cùng với đó, bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị. Việc tái đàn vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch bệnh nếu không áp dụng triệt để các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, nhất là đối với những hộ trước đó có lợn bệnh phải tiêu hủy, quy mô chăn nuôi nông hộ, những hộ làm nghề phụ như: nấu rượu, làm đậu, quán ăn... nguy cơ tái phát ổ dịch bất cứ lúc nào. Nên song song với việc tái đàn lợn nuôi, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do DTLCP gây ra, đảm bảo sinh kế cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch, ngành nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi các giống vật nuôi khác, chủ yếu là gà và thủy cầm.
Theo đó, tính đến nay, số cơ sở chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do DTLCP đã chuyển đổi sang chăn nuôi vật nuôi khác là 1.809 cơ sở. Quy mô chuyển đổi là 251.709 con gà, 184.575 con thủy cầm, trâu bò 344 con và gần 6.500 vật nuôi khác.
PV: Xin ông chia sẻ đôi nét về tình hình sản xuất chăn nuôi của thành phố trong năm 2019. Riêng đối với chăn nuôi lợn, với tình hình đàn lợn nuôi hiện tại liệu có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố trong dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán? Ông có dự báo gì về sản lượng của thịt lợn trong dịp này thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2019, trên địa bàn thành phố có đàn trâu ước đạt 4.669 con, bằng 89,81% so với cùng kỳ năm 2018; đàn bò 11.826 con, bằng 90,74%; đàn gia cầm 8.636,7 ngàn con, bằng 108,11%. Riêng đàn lợn đạt 237.580 con, bằng 56,24% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi trong năm ước đạt: 98.197,6 tấn, bằng 79,72% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng thịt lợn đạt 33.332,2 tấn, bằng 47,08%; sản lượng thịt gia cầm 60.985 tấn, bằng 126,74%; trứng gia cầm các loại 382,5 triệu quả, tăng 24,69% so cùng kỳ năm 2018.
Theo thống kê thì nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn thành phố hiện nay trung bình mỗi tháng đạt khoảng 3.000 tấn. Riêng nhu cầu trong tháng 1-2020 sẽ tăng lên khoảng 10% phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên Đán, ước nhu cầu khoảng 3.300 tấn.
Trong khi đó, theo số liệu báo cáo của mạng lưới cán bộ thú y các xã, phường, thị trấn, khả năng cung cấp sản lượng thịt lợn trên địa bàn thành phố trong các tháng 12-2019, tháng 1, 2 năm 2020 cụ thể như sau: Tháng 12-2019, sản lượng thịt hơi sản xuất trên địa bàn thành phố ước đạt 2.500 tấn. Tháng 1-2020 có tăng nhẹ, ước đạt 2.800 tấn (tháng Tết). Tháng 2-2020 ước đạt 2.400 tấn.
Như vậy sản lượng thịt lợn thực tế có thể đáp ứng thấp hơn so với nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố trong dịp Tết khoảng 10-15%. Tuy nhiên, điều này không quá quan ngại vì ngành chăn nuôi đã chuẩn bị nguồn thịt thay thế. Sản lượng thịt gia cầm năm 2019 của thành phố ước đạt 60.985 tấn, tăng 24,14% (tương đương 11.860 tấn so với năm 2018) hoàn toàn có khả năng bù đắp sự sụt giảm sản lượng thịt lợn, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố trong thời gian qua, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán 2020 này...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Khánh Chi thực hiện
18:01 14/11/2024
10:46 07/07/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão