Thời trang vỉa hè – phong phú hay bát nháo?

09:20 06/10/2019

Không rõ nguồn gốc, không có tiêu chuẩn chất lượng, không niêm yết giá, không phải trả tiền thuê quầy, không đóng thuế… tựu chung là ngoài vòng kiểm soát.

Thời trang giá rẻ bán trên vỉa hè ở Hải Phòng

Đó chính là lý do tạo lên đất sống cho thời trang vỉa hè, và đến nay có thể nói nó đã trở thành khu vực nhộn nhịp thứ tư trong cộng đồng hàng hoá thương mại, đứng sau các chợ, siêu thị và cửa hàng mặt đường.

          Ngày càng nhộn nhịp

So với cả nước, với vị thế cửa ngõ giao thương quốc tế nên từ rất lâu Hải Phòng đã nổi tiếng với những mặt hàng buôn bán ngoài luồng, mà dân gian quen gọi là “chợ Giời”.

Nhưng mô hình chợ Giời cũng có những quy luật hoạt động nhất định, tạo ra những điểm nhóm và thời gian cụ thể, tương tự như chợ tạm hiện nay. Còn hàng hóa vỉa hè, trong đó chủ yếu là thời trang mới thực sự mang bản chất “cóc nhảy”, bởi người bán có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, không nhất thiết phải ở một chỗ, với mục tiêu cứ bán được hàng là “ok”.

Trở lại với quá khứ, trước kia cả thành phố có lẽ chỉ có khu vực quanh bờ hồ Tam Bạc, tập trung trên đường Quang Trung và Nguyễn Đức Cảnh là có bán hàng hoá vỉa hè, nhưng cũng mới chỉ vài thứ lặt vặt khác, mà đa phần là đồ cũ.

Một dạo sau đó hàng hoá phổ biến nhất được đổ đống là quần áo cũ nhập khẩu từ nước ngoài, được gắn với cái tên “Si-đa”, mặc dù căn bệnh thế kỷ này đã được đổi thành AIDS. Nhưng sự thoái trào của nó cùng với sự thăng hoa của nền kinh tế nội địa cũng đủ để nghề buôn quần áo cũ teo dần lại, giờ chỉ còn mấy cửa hàng co cụm trên phố Mê Linh.

Tiếp đó là hàng thành phẩm nhưng là tồn đọng được “đánh” ra từ các kho của các nhà sản xuất cả trong và ngoài nước, nhưng rốt cục cũng “chết” vì hổ lốn, kích cỡ và mẫu mã không đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

          Có lẽ cũng xuất phát từ những điều trên mà thời trang vỉa hè được sản xuất mới xuất hiện, đến nay phải dùng đến cụm từ “bùng phát”, không chỉ có quần áo, giày dép đơn điệu nữa mà đa dạng gồm cả com-le, áo choàng, váy đầm, mũ, tất, chăn ga gối đệm, đồ trang sức, kính mắt, nội ngoại y… với hàng trăm kiểu màu sắc dáng vóc khác nhau.

Thời trang ở chỗ nó bám sát thị hiếu, nhìn bề ngoài cũng bắt mắt không khác gì hàng cao cấp trong siêu thị hoặc các “shop”. Hoành tráng nhất là vào những buổi tối, nếu có nhu cầu người tiêu dùng có thể nhào lộn chọn mua thoả mái để có được một chiếc túi xách, dây lưng, lắc mạ vàng, giày cao cổ… hoặc chăn bông, gối mềm, màn tuyn, giày thể thao… ở mọi tuyến đường.

Không chỉ thế, mà các khu vực này chị em cũng thoải mái lựa chọn, ngắm ướm đến khi ưng ý các đồ nội y được bày lộ thiên, nhìn mãi đến quen cả mắt… đàn ông. Ngoài ra còn phải kể đến các khu vực tập trung đông tại các đường ven, cổng trường học, nhà máy đông người.

          Sự phát triển ngày càng sôi động của thời trang vỉa hè đã tạo ra một không gian cạnh tranh mới, giải quyết việc làm cho các lao động bình dân và đáp ứng nhu cầu một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng.

Chị Dung, một người bán quần áo “lưu động” ở đường Lê Hồng Phong cho biết: “Trước kia cũng làm công nhân giày da nhưng vất vả quá phải bỏ, bây giờ tôi chỉ đi chợ nửa buổi chiều, nhưng thu nhập cũng bằng làm công nhân cả ngày, lại lo được nhiều việc nhà”. Còn ông Bảo ở Kiến Thuỵ làm thợ xây thì bộc bạch: “Cả nhà tôi dùng đồ vỉa hè, không bền lắm nhưng hợp với túi tiền, mẫu mã cũng được”.

Chỉ vào đôi giầy thể thao đang đi dưới chân, ông Bảo nói thêm: “Hàng cao cấp mình chả mơ, nhưng hàng Việt Nam cùng loại hôm vừa rồi xem ở siêu thị thấy bán hơn hai trăm nghìn đồng, chẳng biết có tốt hơn không nhưng ra ngoài cũng tiền ấy mua được ba đôi mới tinh luôn”.

          Nên đưa vào khuôn khổ

Không rõ nguồn gốc, không có tiêu chuẩn chất lượng, không niêm yết giá, không phải trả tiền thuê quầy, không đóng thuế… tựu chung là ngoài vòng kiểm soát.

 Đó chính là lý do tạo lên đất sống cho thời trang vỉa hè, và đến nay nó đã trở thành khu vực nhộn nhịp thứ tư trong cộng đồng hàng hoá thương mại, đứng sau các chợ, siêu thị và cửa hàng mặt đường.

Dễ nhận thấy là sản phẩm loại này mang dáng dấp của Trung Quốc, một phần nữa là được âm thầm sản xuất trong nước, mà để phân biệt người ta vẫn gọi là “hàng chợ”, có loại nhái thương hiệu Việt nổi tiếng, có loại cũng gắn tem…Trung Quốc.

 Một người bán giầy dép ở đường Tô Hiệu bật mí: “Dép thời trang nhưng làm bằng giả da rẻ tiền may lẫn với chi tiết lọc từ phế liệu của các bãi rác nhà máy giầy”.

 Cầm một đôi xăng-đan nữ lên xem quả đúng như vậy, hạch toán theo giá người bán hàng cung cấp thì phần quai may vội tính cả công lẫn nguyên liệu chỉ 5.000 đồng, đế nhựa chừng 7.000 đồng, ốp viền bằng keo “con voi”… tính giá thành sản xuất chưa đến 15.000đồng/đôi, nhưng chị này nói gặp “gà” có thể bán được tới 40.000 đồng/đôi.

Khổ nỗi loại dép này chỉ vấp nhẹ là “quai đi đế ở lại”, nên hầu hết khách hàng phải gia cố thêm một đường khâu tay ít nhất mất 20.000 đồng.

Không riêng gì giầy dép mà cả các mặt hàng khác cũng thế, chất lượng đa phần là kém và được dùng một chiêu phổ biến dưới hình thức quảng cáo “hàng đại hạ giá”.

 Trên đường Phạm Văn Đồng còn có mấy sạp trưng băng-zon để hẳn xuống lòng đường với nội dung: “Giầy thanh lý chỉ có 120.000 đồng”, nhưng  thực chất là giầy giả da hàng chợ mà một người sành nghề khẳng định: “Bán cho tôi 30.000 đồng tôi cũng không đi loại này”.

Rồi thì giầy thể thao Trung Quốc cũng bày nhan nhản trên các khu vực khác với giá 90.000 đồng/đôi, trong khi theo khảo sát thì giá bán buôn sản phẩm cùng loại trên đường Quang Trung chỉ có 55.000 đồng/đôi.

Những năm gần đây, điển hình phải kể thêm là mũ bảo hiểm, thể hiện đầy đủ nguồn gốc sản xuất Việt Nam, tem chất lượng CR, hình thức rất đẹp nhưng chất lượng quá kém, giá chỉ từ 25.000 đồng đến 50.000 đồng/chiếc.

Bên cạnh nguồn gốc và chất lượng có nhiều vấn đề phải bàn, điều hiển nhiên sự xuất hiện việc chiếm giữ vỉa hè trưng bày hàng hoá nói chung đang gây tổn hại không nhỏ đến mỹ quan đô thị.

Việc kiểm tra kiểm soát lơi lỏng ngày càng làm những người buôn bán kiểu này có nhiều hành vi thái quá, công nhiên vi phạm, nhiều tụ điểm gây cản trở giao thông, thậm chí là tranh chỗ ngồi, giành khách dẫn đến ẩu đả.

Thiết nghĩ đã đến lúc các nhà quản lý nên có biện pháp đối với vùng thị trường ngoài luồng này, để đảm bảo trật tự xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh thất thoát một nguồn thu lớn của ngân sách.

Và một điều quan trọng không kém là giữ môi trường cạnh tranh lành mạnh cho toàn bộ hệ thống thương mại của thành phố, nhất là trong lúc cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang được quan tâm như hiện nay.

Lê Minh Thắng 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông