Ngày 21-6-2012, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi trên Cổng thông tin điệntử Chính phủ về một số nội dung của bộ luật. Báo ANHP xin trích lại dẫnmột số điểm chính trong bài trao đổi của Bộ trưởng như sau.
| Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Biển Việt Nam ngày 21-6 |
Về mục đích và ý nghĩa của luật Biển Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho hay: là quốc gia ven biển, Việt Nam đã tham gia Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 từ năm 1994. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa có một văn bản luật về biển mà chỉ mới có các quy định trong một số văn bản pháp quy liên quan. Với việc thông qua Luật Biển Việt Nam, lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta.
Quá trình xây dựng Luật Biển Việt Nam được bắt đầu từ năm 1998 và đã trải qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội các khóa X, XI, XII. Luật có 7 chương, 55 điều, được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp, Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, các Tuyên bố của Chính phủ năm 1977 và 1982, tổng kết thực tiễn quản lý biển của nước ta, trên cơ sở Công ước LHQ về Luật Biển 1982 và các Hiệp định về biển đã ký. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng cho biết, vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các vùng biển, đảo được thể hiện rất rõ trong Luật Biển Việt Nam như sau: Phù hợp với các quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam quy định rất rõ các vùng biển của Việt Nam, bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với các vùng nội thủy và lãnh hải; thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa. Chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã được nêu tại một số quy định trong các văn bản luật đã có trước đây, như Luật Biên giới quốc gia năm 2003, tiếp tục được thể hiện rõ trong Luật Biển Việt Nam.
Luật quy định rõ là mọi tổ chức, cá nhân phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích của Việt Nam, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi hoạt động trong các vùng biển của ta. Mọi vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến biển, đảo của Việt Nam đều bị xử lý theo pháp luật liên quan. Nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, với việc Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam, chúng ta đã chuyển một thông điệp quan trọng đến cộng đồng quốc tế. Đó là: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
VIỆT ANH (theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ) |