09:45 06/05/2022 Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng vừa tổ chức cuộc giám sát chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Theo kế hoạch, Đoàn sẽ thực hiện giám sát tại 4 quận, huyện; 3 Ban Quản lý dự án; 3 doanh nghiệp; 4 sở. Nếu theo cách làm cũ, Đoàn sẽ phải giám sát tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Có nghĩa là phải tổ chức ít nhất 14 cuộc làm việc, tương đương với 7 ngày làm việc. Đó là chưa kể tới nhiều cuộc phải làm việc ở địa bàn xa như huyện Tiên Lãng; huyện Kiến Thụy; phải lo phương tiện đi lại và nhiều vấn đề khác.
Vì thế, với chủ trương giám sát về tiết kiệm, chống lãng phí cũng phải rất gọn nhẹ, tiết kiệm, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đã tổ chức các cuộc giám sát nói trên chỉ trong 2 ngày, phân theo từng khu vực gồm các quận, huyện; các Ban Quản lý dự án; các doanh nghiệp và các sở, ngành. Thành phần dự cũng rất gọn nhẹ, chỉ có người đứng đầu và 1-2 cán bộ giúp việc.
Phía đoàn giám sát có sự tham gia của đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Lã Thanh Tân; các vị đại biểu Quốc hội; lãnh đạo HĐND thành phố và các Ban của HĐND thành phố; Ban Nội chính Thành ủy; Ủy ban MTTQ thành phố và một số ngành liên quan. Các cuộc giám sát được tổ chức ở ngay trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, rất thuận tiện.
Như thế, nếu chỉ nói về cách thức thực hiện giám sát đã tiết kiệm được rất nhiều. Thứ nhất là về thời gian, mà thời gian chính là vàng, là bạc. Ít nhất, các thành viên đoàn giám sát đã tiết kiệm được tới 5 ngày làm việc. Thời gian đó giúp giải quyết được rất nhiều công việc khác. Như thế là hiệu quả công việc được nhân lên tới 5 lần. Thứ hai là tiết kiệm nhiều chi phí. Thứ ba là lãnh đạo các ngành, đơn vị, địa phương cũng tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nhân lực, chi phí…
Còn nói về hiệu quả thì chắc chắn cũng đạt được mong muốn. Do thời gian có hạn nên lãnh đạo các ngành, đơn vị, địa phương buộc phải tập trung nói về những vấn đề chính yếu nhất, không lan man, dài dòng. Theo đó, chủ yếu tập trung phản ánh những bất cập, hạn chế trong chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; những khó khăn, vướng mắc trên thực tế và đề xuất kiến nghị.
Có rất nhiều nội dung không chỉ là vấn đề riêng của ngành, của địa phương mà là chung của cả nước, nhất là vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công; Luật Ngân sách Nhà nước…, ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Có rất nhiều đề xuất, kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở GTVT; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông; Ban quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng; Công ty CP Cấp nước Hải Phòng; Công ty TNHH MTV Thương mại đầu tư và Phát triển đô thị Hải Phòng; huyện Kiến Thụy; quận Lê Chân… liên quan tới chính sách vĩ mô.
Qua đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng nắm được nhiều vấn đề phát sinh từ thực tế để tổng hợp báo cáo Quốc hội; là cơ sở để đề xuất tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Như thế, cuộc giám sát chuyên đề đã tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc nhưng hiệu quả thì lại được nhân lên nhiều lần.
Rõ ràng, nếu tổ chức tuần tự 14 cuộc giám sát cũng sẽ không có ai chê trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng. Nhưng với tinh thần đổi mới, hiệu quả, Đoàn đã chủ động cải tiến cách làm việc. Tiết kiệm, chống lãng phí ngay cả khi giám sát về tiết kiệm, chống lãng phí là cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, rất đáng hoan nghênh, phát huy, nhân rộng./.
Hồng Thanh