15:31 09/07/2024 Nghiêm túc quán triệt, triển khai Công văn 1991/BCA-V01 ngày 12/6/2024 của Bộ Công an về việc triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2024, Giám đốc CATP vừa có Công văn yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc CATP về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng.
Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người hướng đến cơ sở và các đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người (phụ nữ, học sinh, sinh viên...) với nhiều nội dung, hình thức phong phú trên cả không gian mạng và đời thực nhằm hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” gắn với chủ đề năm 2024 là: “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.
Riêng đối với Phòng Tham mưu, Giám đốc CATP giao chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Ban chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an, Ban Chỉ đạo 799 thành phố về phòng, chống mua bán người gắn với các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”.
Phòng Cảnh sát hình sự có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương xây dựng và triển khai quyết liệt các kế hoạch, phương án phòng, chống mua bán người. Chủ động nắm chắc tình hình, dự báo sát, giải quyết tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở; ập trung rà soát, đấu tranh triệt phá, điều tra làm rõ các đường dây tội phạm mua bán người và các tội phạm khác có liên quan.
Phát huy hiệu quả mô hình Phòng Điều tra thân thiện phục vụ công tác điều tra, lấy lời khai đối với nạn nhân là trẻ em nhằm ổn định tâm lý, tạo niềm tin vào cơ quan chức năng và không để tái tổn thương nạn nhân trong quá trình giải quyết vụ việc.
Tiếp nhận kịp thời tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến các vụ việc mua bán người, khẩn trương xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân; bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, phân loại, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%; tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu mà Ban Chỉ đạo 799 thành phố đề ra trong Kế hoạch phòng, chống mua bán người năm 2024.
Phát động triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người và phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án các cấp đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án mua bán người, lựa chọn một số vụ án trọng điểm hoặc vụ án được dư luận xã hội quan tâm đưa ra xét xử công khai để tạo sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân, người chưa thành niên đi cùng nạn nhân, người thân thích của họ trong quá trình xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và giải quyết các vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH chịu trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ANTT, nhất là quản lý nhân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng; quản lý xuất, nhập cảnh; quản lý người nước ngoài; quản lý, rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT.
Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao có trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tổ chức, hướng dẫn triển khai các biện pháp nắm tình hình mua bán người trên không gian mạng. Từ đó, kịp thời phát hiện, thu thập, phân tích dữ liệu, chứng cứ phục vụ điều tra, xử lý các hành vi lợi dụng không gian mạng để phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến mua bán người.
Các đơn vị tuyên truyền trong CATP có trách nhiệm phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người, nhất là về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng tránh, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí ngoài lực lượng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người cũng như kết quả công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người của lực lượng CATP. Chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ, đơn vị chức năng của Sở GD&ĐT thành phố tổ chức hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố; xem xét, đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham mưu, triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2024.
Riêng Công an các địa phương, Giám đốc giao cần phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy trong công tác phòng, chống mua bán người.
Trong đó, chú trọng phối hợp với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn xã, thị trấn xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”, tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân về chủ trương, pháp luật về phòng, chống mua bán người và phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
\Đồng thời, làm tốt công tác quản lý cư trú, quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT; triển khai các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm mua bán người. Tổ chức tốt công tác trực ban, tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm về mua bán người.
Giám đốc giao Phòng Tham mưu chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp lãnh đạo CATP kiểm tra, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao…
KC