Báo chí Mỹ, Nhật ngày 26-3 đồng loạt đưa tin CHDCND Triều Tiên đã lắpđặt tên lửa vào bệ phóng ở khu thử Musudanri, sẵn sàng cho việc phóngvệ tinh viễn thông vào ngày 4 và 8-4 theo kế hoạch mà nước này công bố.
| Khu thử Musudanri nhìn từ trên cao |
Hãng Kyodo của Nhật đưa tin quả tên lửa trên là tên lửa đạn đạo tầm xa Taepodong-2. Truyền hình NBC của Mỹ dẫn nguồn tin tình báo cho biết có thể thấy rõ hai tầng của tên lửa, tầng thứ ba bị che kín. Xác nhận thông tin này, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên khẳng định việc một tên lửa tầm xa của Triều Tiên đã được đặt lên bệ phóng "là hoàn toàn chính xác".
Cả Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều lo ngại rằng Bình Nhưỡng sẽ phóng thử tên lửa tầm xa Taepodong-2. Ba quốc gia này cho rằng không có bất cứ sự khác biệt nào giữa việc phóng vệ tinh và phóng tên lửa bởi vì cả 2 đều sử dụng cùng một loại rocket: Taepodong-2. Các quốc gia này cũng cho rằng động thái hiện nay của Triều Tiên đã vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ - cấm quốc gia này phóng tên lửa đạn đạo. Bình Nhưỡng từng phóng thử tên lửa Taepodong-2 vào tháng 7 năm 2006 nhưng vụ thử này đã thất bại. Tên lửa đó đã bay được một đoạn đường ngắn và phát nổ sau khoảng 40 giây.
Cùng ngày 26-3, có thêm một quan chức Mỹ giấu tên khác xác nhận tên lửa được đặt lên bệ phóng chắc chắn là tên lửa Taepodong 2, một loại tên lửa tầm xa về lý thuyết có thể bắn trúng các mục tiêu ở bang Alaska, Mỹ. Các chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ cần 7 tới 10 ngày chuẩn bị để phóng rocket tính từ khi tên lửa được đặt lên bệ phóng.
Hàn Quốc tuyên bố đã sẵn sàng quân đội đối phó với Triều Tiên Liên quan vấn đền này, trong bài phát biểu nhân chuyến thăm Mexico, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo việc phóng tên lửa của Triều Tiên, cho dù nhằm bất cứ mục đích gì, sẽ là một "hành động khiêu khích", vi phạm nghị quyết của HĐBA LHQ và vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại LHQ nếu Bình Nhưỡng tiếp tục kế hoạch của mình. Bà Hillary cho rằng việc bắn tên lửa sẽ chỉ mang lại hậu quả cho Triều Tiên. Liên minh châu Âu ngày 26-3 cũng nói rằng việc Triều Tiên phóng vệ tinh là vi phạm nghị quyết của HĐBA.
Về phần mình, Bình Nhưỡng đã cảnh báo sẽ tẩy chay các vòng đàm phán 6 bên nếu HĐBA LHQ trừng phạt nước này. Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định việc ngăn cản quyền của Bình Nhưỡng được sử dụng vũ trụ một cách hòa bình không những là hành động bất bình đẳng mà còn xâm phạm quyền tự chủ của nước này. Triều Tiên đã thông báo tới Tổ chức Hàng hải quốc tế về kế hoạch phóng vệ tinh, theo đó phần đầu của tên lửa có thể sẽ rơi xuống vùng biển Nhật Bản, phần thứ hai sẽ rơi xuống vùng biển Thái Bình Dương ở phía Bắc Nhật Bản.
Được biết, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã sẵn sàng đối phó với kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Won Tae-jae ngày 26-3 nhấn mạnh, quân đội Hàn Quốc đang gấp rút tiến hành các bước chuẩn bị đối phó với tên lửa Bình Nhưỡng. Hiện chưa rõ quyết định của Nhật Bản sau thông báo về đường bay của tên lửa mà Triều Tiên đưa ra. Trước đó, Tokyo tuyên bố sẽ bắn hạ bất cứ vật thể hình trụ nào rơi xuống lãnh thổ của họ.
Việt Anh (tổng hợp) |