Trung Quốc leo thang xâm phạm chủ quyền Việt Nam

15:41 25/07/2012

Bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang nhiên và cố tình tiến hành các bước liên quan nhằm mục đích hợp lý hóa cái gọi là“thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao trùm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang nhiên và cố tình tiến hành các bước liên quan nhằm mục đích hợp lý hóa cái gọi là“thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao trùm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trụ sở của cái gọi là “thành phố Tam Sa” do Trung Quốc xây trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Trụ sở của cái gọi là “thành phố Tam Sa” do Trung Quốc xây trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Vào lúc 10h40’ sáng qua (24-7), tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chính quyền Trung Quốc đã ngang nhiên tổ chức nghi lễ thành lập và gắn biển hiệu cho các cơ quan trực thuộc cái gọi là “thành phố cấp địa khu Tam Sa”, tỉnh Hải Nam. Biển hiệu các cơ quan hành chính như Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân, Khu cảnh bị quân sự, ngân hàng, bệnh viện… cũng lần lượt được trưng lên với phân cấp chủ quản là “thành phố Tam Sa”. Một loạt quan chức thuộc các cơ quan chủ quản như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Dân chính và Cục Hải dương Quốc gia của Trung Quốc đã có mặt tham dự hoạt động kể trên.

Như vậy, Trung Quốc trong khoảng thời gian hơn một tháng qua đã bất chấp dư luận, lần lượt tiến hành các bước liên quan để cố tình khai sinh ra cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Quốc Vụ Viện Trung Quốc ngày 21-6 phê chuẩn quyết định thành lập “Tam Sa”, Hội đồng Nhân dân Hải Nam ngày 17-7 thông qua quyết định thành lập “Hội đồng Nhân dân Tam Sa”, ngày 21-7 tiến hành bầu 45 đại biểu “Hội đồng Nhân dân Tam Sa”, ngày 23-7 họp phiên đầu tiên “Hội đồng Nhân dân Tam Sa khoá 1” và bầu Tiêu Kiệt làm “thị trưởng Tam Sa”, ngày 24-7 tổ chức nghi lễ thành lập và gắn biển cho cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Những hành động leo thang liên tiếp của phía Trung Quốc trong thời gian qua đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo này. Những bằng chứng này là khách quan, thậm chí xuất phát từ chính trong lịch sử Trung Quốc. Cụ thể, tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” vẽ toàn lãnh thổ Trung Quốc, được Nhà xuất bản Thượng Hải in năm 1904, hoàn toàn không thấy có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên tấm bản đồ này, cực nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam.

Những chứng cứ rõ ràng như tấm bản đồ in năm 1904 thì Bắc Kinh giấu nhẹm đi, rồi nguỵ tạo bằng chứng để công bố với người dân Trung Quốc. Do vậy, nhiều năm qua, đa số nhân dân Trung Quốc không nắm rõ được vấn đề chủ quyền, lịch sử đúng đắn của các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa nên họ nghĩ rằng Việt Nam “xâm chiếm” hai quần đảo này.

Philippines tuyên bố “nhịn đủ rồi”

Không chỉ ngang ngược xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam, Trung Quốc còn chèn ép Philippines về bãi cạn Scarborough. Ngày 23-7, trước Quốc hội,  Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố quyết không lùi bước trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh phải tôn trọng quyền của Manila ở Biển Đông, đồng thời thông báo các kế hoạch tăng cường khả năng quân sự. Ông Aquino khẳng định: “Nếu có ai đó vào vườn nhà bạn và nói rằng anh ta sở hữu khu vườn đó thì bạn có cho phép không? Chúng ta không được từ bỏ những gì thuộc quyền hợp pháp của chúng ta. Và tôi cũng đề nghị toàn dân đoàn kết về vấn đề này, ủng hộ nỗ lực của chính phủ”.

Tổng thống Aquino cho biết chính phủ của ông đã thể hiện thiện chí và sự nhẫn nại hết mức trong việc giải quyết các tranh chấp kéo dài hàng tháng nay trên Biển Đông. Ông nói: “Chúng ta đã kiên nhẫn hết mức trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Chúng ta đã cho thấy thiện ý của mình khi thay thế một tàu hải quân bằng một tàu dân sự ngay khi chúng ta có thể. Tôi nghĩ không có gì là quá đáng khi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền của chúng ta như chúng ta từng tôn trọng quyền của họ như là một quốc gia trên thế giới mà chúng ta cần chia sẻ”. Từ đó đến nay, Philippines đã nhiều lần bỏ qua giọng điệu “đao to búa lớn” của các cơ quan truyền thông của Trung Quốc xung quanh vấn đề tranh chấp.

Trước Quốc hội, ông Aquino nhấn mạnh sự cần thiết phải hiện đại hóa quân đội Philippines. Ông cho biết chính phủ đã quyết định chi 28 tỷ peso (67 triệu USD) cho việc hiện đại hóa quân sự, mua sắm vũ khí mới và sửa chữa vũ khí cũ. Những chiếc trực thăng và một tàu khu trục mới sẽ được triển khai trong năm sau. Philippines cũng dự định chi 75 tỷ peso cho lĩnh vực quốc phòng trong 5 năm tới. “Đây không phải là chọn lựa để chiến đấu, không phải để bắt nạt. Đây là để duy trì hòa bình, là vấn đề năng lực tự vệ của chúng ta” - ông Aquino nhấn mạnh.


Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm phản đối
Ngày 24-7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc về sự việc nước này thành lập và gắn biển cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động nói trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Cùng ngày, Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến và Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cùng ra tuyên bố phản đối những hành động trên của Trung Quốc. Những hành động sai trái của Trung Quốc không làm thay đổi thực tế hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam.



Việt Anh (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông