Trương Thị Bé và vụ tham ô đình đám thời bao cấp: Kỳ 5 - Trả giá

20:50 24/09/2017

Khi mọi sự vỡ lở, cả lúc chưa bị bắt, sợ bị vạ lây, những kẻ “cùng hội, cùng thuyền” với Bé đã tìm cách lánh mặt thị. Những kẻ bất lương làm điều khuất tất ở thời điểm nào cũng vậy, họ đối với nhau thường trở mặt như bàn tay và chỉ nhận tội lỗi khi chứng cứ đã rành rành, không thể chối cãi.

Bị đồng bọn “phủi tay” nhanh đến không ngờ, bị bắt và thui thủi trong bốn bức tường lạnh lẽo xám xịt, thị Bé sốc, choáng, kinh hoàng khi phải đối mặt với tội lỗi đã phạm phải và đã giả điên giả dại nhưng đã bị cơ quan điều tra lật tẩy và buộc phải cung khai sự thật, mong được giảm một phần nào tội lỗi.

Vụ Trương Thị Bé bộc lộ hàng loạt những sự vi phạm thể lệ chế độ, đồng thời cũng phơi bày tính chất tùy tiện, làm bừa, làm bậy của một số cán bộ thoái hóa, biến chất thời đó. Nhìn bên ngoài, vụ tham ô là phức tạp kéo dài, nhưng thủ đoạn của các đối tượng lại rất đơn giản, sớm muộn gì cũng sẽ bị phát hiện.

Và nữa, nếu Chi nhánh nghiệp vụ Ngân hàng chỉ cần chấp hành đúng một chế độ, thể lệ nào đó, ví dụ như thể lệ nộp tiền bằng hình thức gửi túi hoặc chế độ ghi giấy nộp tiền có đủ ngày, tháng, năm và không có sự thông đồng của một số cán bộ, nhân viên Ngân hàng, thì thị Bé đã không thể tham ô được, hoặc có tham ô thì cũng bị phát hiện tức khắc.

Nếu như Ngân hàng thực hiện đúng nguyên tắc nộp bao nhiêu, nhận bấy nhiêu, hỏi thị Bé lấy tiền đâu để nộp bù. Nếu như Công ty ăn uống - phục vụ hành tự đúng, tiền của của tài khoản nào vào đúng tài khoản đó, thực hiện đầy đủ chế độ cập nhật, thử hỏi thị Bé có thể tham ô vào khoản nào, giấu làm sao nổi những khoản “tiền đang chuyển” giả tạo?

Quá trình phạm tội của những kẻ tham ô và đồng bọn trong vụ án rốt cuộc chỉ là quá trình lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý kinh tế - tài chính, quản lý nguyên tắc chế độ. Do đó, bọn họ chỉ có thể lấp liếm, che đậy để kéo dài thời gian hoạt động tội lỗi, tự chuốc lấy những tội nặng hơn, chứ không có cách nào xóa được tang chứng.

Ở thời điểm đó, Chủ nhiệm Công ty của thị Bé cũng thừa nhận và đau xót cho rằng sơ hở lớn nhất là quản lý con người. Tin người nên khi kiểm tra  công việc của thị Bé, Công ty chỉ kiểm tra một phía, đối chiếu một vế, càng không có sự đối chiếu giữa sổ sách của công ty với sổ phụ của Ngân hàng. Ngay cả khi bàn giao quỹ, Bé đưa ra một lúc 5 liên 2 giấy nộp 5 khoản tiền rất lớn, trong khi liên 3 chưa có mà Công ty vẫn không mảy may nghi ngờ, vẫn xác nhận thủ tục bàn giao, ký nhận thủ quỹ bàn giao đầy đủ và còn chúc phúc cho Bé “đi nhận nhiệm vụ mới chân cứng, đá mềm”.

Sau đó không rõ lý do vì sao liên 3 về chậm, Công ty cũng không cho người ra ngân hàng xem xét. Thậm chí còn sơ hở đến mức giao trở lại cho thị Bé nhiệm vụ ra Ngân hàng lấy liên 3 khi thị từ Hà Nội quay về Hải Phòng.

Cũng chung tâm trạng trên, Giám đốc Ngân hàng cho rằng về mặt nghiệp vụ, cán bộ, nhân viên ngân hàng đã được tiêu chuẩn hóa, song về mặt liêm khiết, phẩm chất đạo đức thì rõ ràng có vấn đề và ngân hàng đã coi nhẹ mất cảnh giác.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ở những bộ phận nhạy cảm nhất trong các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, đối với người cán bộ thực hành nhiệm vụ, lãnh đạo phải xem xét, tin được thì dùng và bồi dưỡng, không tin được thì phải chuyển, không dây dưa cho qua chuyện. Làm kinh tế mà cảnh giác không cao, chủ quan, cả tin, có khi chỉ một sơ suất nhỏ là mất tiền bạc như chơi và thấm thía nhất là công tác kiểm tra, giám sát.

Ngân hàng chỉ kiểm tra định kỳ mà thiếu kiểm tra đột xuất nên một số người sa đọa về phẩm chất đã tìm được kẽ hở đối phó, tiếp tay cho Trương Thị Bé đục khoét ngân quỹ. Bởi lẽ chỉ có thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra đột xuất mới bảo vệ được cán bộ, nhân viên không bị trượt ngã, đồng thời bảo đảm cho thể lệ, chế độ, thủ tục, nguyên tắc được thực hiện đúng.

Trong 6 ngày từ 7 đến 12-2-1977, TAND TP Hải Phòng đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt: Trương Thị Bé tù chung thân về tội tham ô tài sản XHCN; đồng phạm với Bé là Nguyễn Thị Bảo, Vũ Thị Khà, La Thị Đảnh, Tô Tuyết Hải bị xử phạt từ 1 năm đến 10 năm tù; 7 bị cáo khác bị xử phạt từ 1 năm đến 2 năm tù về tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản XHCN”, trong đó có một số bị cáo được hưởng án treo.

 Được biết, sau này do cải tạo tốt, Trương Thị Bé được giảm án xuống còn 20 năm tù. Trong hồ sơ vụ án còn lưu lại tờ Đơn xin được hưởng lương hưu của bà Bé năm 2001 gửi các cơ quan chức năng thành phố. Một người sống xa hoa lãng phí như Trương Thị Bé đến cuối đời phải sống nhờ vào những đồng chính sách chế độ của Nhà nước, chắc hẳn hơn 20 năm về trước khi đang “sống trên tiền”, người phụ nữ này cũng không thể ngờ cuộc đời mình có cái kết đắng như vậy.

Nhưng có một điều chắc chắn là ngay sau khi khai báo đầy đủ với cơ quan chức năng về hành vi phạm tội của mình, Trương Thị Bé đã có những tháng ngày sống thanh thản, ăn ngon ngủ yên, chứ không như những ngày sống với gia đình, bữa ăn như tết, sung sướng hết chỗ nói mà sao không cảm thấy yên ổn hạnh phúc.

Còn nhớ mãi lời của một nhà báo thời điểm khi ấy viết bài điều tra về Trương Thị Bé có đưa ra nhận xét, đại ý rằng: Con người ta chỉ sống thanh thản khi biết đặt cuộc sống của mình trong cuộc sống chung của xã hội, bằng lòng với những gì xã hội đã dành cho, biết chi tiêu tằn tiện theo sự thu nhập chính đáng của mình, không mảy may thèm muốn một tí gì về vật chất không phải do lao động, công sức, mồ hôi của mình mà có. Ngẫm ra thật chí lý và nó vẫn còn nóng hổi tính thời sự trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hôm nay.

Xuân Ngọc

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông