16:10 06/01/2023 Bài 2: Không nhân nhượng với bất cứ sai phạm nào Những điểm nóng, những vi phạm về đất đai, xây dựng đó nếu không được giải quyết, xử lý dứt điểm và để kéo dài sẽ gây nên những hệ lụy khôn lường. Không ít người đã nghĩ, các vụ việc này rồi sẽ bị “chìm xuồng”, được “làm ngơ” để cho tồn tại. Thế nhưng, ngay trong năm 2022, với quan điểm không nhân nhượng với bất cứ sai phạm nào, tất cả những vụ việc đó đã lần lượt được xử lý một cách thấu tình, đạt lý; trật tự kỷ cương được lập lại; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và các cấp chính quyền.
Bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật
Để giải quyết, xử lý được những điểm nóng như trên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, các cơ quan, ban, ngành, các địa phương đã thiết lập các hồ sơ, bảo đảm đầy đủ các căn cứ, các chứng cứ hợp lý, đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, thành phố xác định các hộ dân nuôi ngao tự phát, trái phép đã vi phạm các quy định về điều kiện nuôi trồng thuỷ sản trên biển theo quy định tại Điều 38, 39 và 44 Luật Thuỷ sản năm 2017 và Điều 37 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ; Điều 17 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Như vậy, các hộ dân có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra là buộc di dời, tháo dỡ công trình nuôi thủy sản vi phạm; buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm; buộc trả lại phần diện tích đất sử dụng không phù hợp; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đó. Trường hợp các hộ không tự di dời, cơ quan chức năng sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 33, 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trước đó, để thực thi nghiêm các quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự trên khu vực biển do thành phố quản lý, UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 6761/UBND-KS ngày 22/9/2021 yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản không phép trước 30/11/2021 phải thực hiện xong việc di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực biển đã được cơ quan có thẩm quyền giao cho các tổ chức khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, sau gần 12 tháng, các hộ dân vẫn chưa thực hiện di dời. Do đó, việc thành phố kiên quyết buộc các hộ phải tự tháo dỡ và nếu không tự giác sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế là hoàn toàn hợp tình, hợp lý vì đã để các hộ có một thời gian khác dài khắc phục.
Mặc dù đã đầy đủ cơ sở pháp luật để tổ chức cưỡng chế , di dời các hộ nuôi ngao, nhưng để bảo đảm tính thuyết phục hơn, Chủ tịch UBND thành phố có văn bản trả lời trực tiếp các kiến nghị của các hộ nuôi ngao và trực tiếp đối thoại với 12 hộ nuôi ngao trên địa bàn quận Hải An. Cuộc đối thoại diễn ra thẳng thắn, cởi mở, công khai với sự tham dự và chứng kiến của đại diện Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân Trung ương, Bộ Công an, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)…
Đại diện các cơ quan Trung ương tham dự cuộc họp đều cho rằng thành phố Hải Phòng đã rất cầu thị,giải đáp khá rõ ràng các vấn đề người dân thắc mắc và mong muốn các hộ dân chấp hành chủ trương chung của thành phố. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng một lần nữa khẳng định: việc các hộ tự phát nuôi ngao trên vùng bãi triều biển thuộc địa bàn quận Hải An là không được phép của các cơ quan có thẩm quyền, vi phạm các quy định của pháp luật. UBND quận Hải An thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính (nuôi ngao trái phép) và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính nêu trên là đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền; yêu cầu quận Hải An tiếp tục thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm và các quyết định cưỡng chế theo quy định.
Cũng như vậy, đối với các doanh nghiệp vi phạm tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố yêu cầu làm rõ sai phạm của các cá nhân, tổ chức.
Theo kết luận của UBND thành phố, tình trạng xây dựng công trình trái phép tại một số khu vực trong Vườn Quốc gia Cát Bà xảy ra là do Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường thuộc Vườn quốc gia Cát Bà sai phạm trong việc ký các hợp đồng liên doanh, liên kết với 7 doanh nghiệp khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định trong giai đoạn từ năm 2009-2013. Cuối năm 2020, UBND thành phố ban hành văn bản trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Bà, nêu rõ từng doanh nghiệp đã vi phạm những gì với đầy đủ căn cứ pháp lý và yêu cầu doanh nghiệp tự tháo dỡ công trình vi phạm. Trường hợp không tự tháo dỡ, cơ quan chức năng sẽ tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với Vườn quốc gia Cát Bà theo quy định.
Trong quá trình triển khai cưỡng chế, một số doanh nghiệp làm đơn khởi kiện các cơ quan chức năng thành phố ra Tòa án nhân dân thành phố. Sau khi xem xét, đánh giá đầy đủ chứng cứ, quan điểm, lập luận của các bên, Tòa án nhân dân thành phố bác đơn khởi kiện của các doanh nghiệp. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đánh giá đây là vụ việc phức tạp cần xử lý dứt điểm. Do đó, quy trình xử lý các sai phạm bảo đảm đáp ứng đúng các quy định của pháp luật.
Đối với các sai phạm về xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại huyện Tiên Lãng, huyện Kiến Thụy, UBND thành phố chỉ đạo các địa phương và các ngành liên quan thiết lập đầy đủ hồ sơ, rà soát, làm rõ các sai phạm và đề xuất biện pháp giải quyết với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, không nhân nhượng với bất cứ sai phạm nào.
Cũng như vậy, với trường hợp Công ty Duy Hưng, Sở Tài nguyên Môi trường, quận Hải An chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thông báo rõ cho doanh nghiệp biết về việc được sử dụng đất thêm 24 tháng kể từ ngày dự án bị chấm dứt hoạt động theo quy định và chủ đầu tư được thực hiện quyền chuyển nhượng sử dụng đất, bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời hạn sử dụng đất thêm 24 tháng đã hết nhưng Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy Hưng không có báo cáo, không gửi hồ sơ, tài liệu về chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất đến Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng. Do đó, thành phố có đầy đủ cơ sở để cưỡng chế thu hồi đất.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Với đầy đủ các cơ sở pháp lý nhưng để bảo đảm thấu tình đạt lý, thành phố Hải Phòng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần công khai, minh bạch, khách quan. Tất cả các cuộc làm việc, kiểm tra của lãnh đạo UBND thành phố đều có thông báo kết luận bằng văn bản và đăng, phát công khai trên các báo; cổng thông tin điện tử; Đài PTTH… Cả hệ thống chính trị của thành phố được huy động vào cuộc với sự tham gia tích cực và vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, Ban Nội chính; Ban Tuyên giáo; Ban Dân vận Thành ủy; hệ thống MTTQ và các đoàn thể…
Trước mỗi cuộc cưỡng chế, xử lý các điểm nóng, UBND thành phố; Ban Tuyên giáo Thành ủy; Sở Thông tin Truyền thông và các quận, huyện có văn bản thông báo công khai về nội dung sự việc, nêu rõ vi phạm và biên pháp xử lý của thành phố. Các văn bản này được công bố rộng rãi tại các cuộc giao ban báo chí thường kỳ hàng tuần, hàng tháng để các cơ quan báo chí đăng tải; được chuyển tới các địa phương, các tổ dân phố nơi có các “điểm nóng” để đông đảo nhân dân được biết, được theo dõi và kiểm tra giám sát. Vì thế, người dân nắm rõ được từng tình tiết, nội dung sự việc và ủng hộ cách làm của thành phố, lên án cái sai, tạo thành dư luận rộng rãi và sức mạnh tổng hợp để lập lại trật tự kỷ cương.
Và không chỉ xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, thành phố cũng rất kiên quyết xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Cụ thể, đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ của Vườn quốc gia Cát Bà. Các địa phương như huyện Kiến Thụy cũng đã xử lý, điều chuyển công tác một số cán bộ liên quan tới việc để vi phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp.
Trong các cuộc họp, cuộc kiểm tra, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cũng thẳng thắn phê bình sự chậm trễ của lãnh đạo một số địa phương và gia hạn thời gian cụ thể phải hoàn thành các quyết định phá dỡ, cưỡng chế, nếu tiếp tục chậm, thành phố sẽ xem xét xử lý kỷ luật về trách nhiệm quản lý và thi hành công vụ. Lãnh đạo các ngành, các địa phương liên tục tổ chức đối thoại, làm việc với các tổ chức, các hộ dân để giải quyết tận cùng từng khúc mắc, khó khăn dù nhỏ để đạt tới mục tiêu cuối cùng là xử lý dứt điểm các vi phạm.
Đáng chú ý, đối với các hộ nuôi ngao, để bà con đỡ thiệt thòi và tiếp tục có cơ hội làm ăn sinh kế, thành phố quy hoạch 3000 ha tại khu vực biển xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng để cấp phép nuôi ngao. Đây là hướng mở rất quan trọng và rất hợp tình, hợp lý, và là một trong những yếu tố quan trọng để các hộ nuôi ngao chấp hành chủ trương của thành phố, chấp hành các quyết định cưỡng chế hoặc tự tháo dỡ công trình trái phép./.
(Còn tiếp)
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024