Tưởng niệm 25 năm thảm họa Chernobyl

21:06 27/04/2011

Ngày 26-4, Ukraine và nhiều tổ chức quốc tế cũng như nhân dân nhiều nước trên thế giới tổ chức tưởng niệm 25 năm ngày xảy ra thảm họa Chernobyl (26-4-1986 * 26-4-2011), trong bối cảnh thế giới lo ngại phóng xạ sau vụ Fukushima 1.
Ngày 26-4, Ukraine và nhiều tổ chức quốc tế cũng như nhân dân nhiều nước trên thế giới tổ chức tưởng niệm 25 năm ngày xảy ra thảm họa Chernobyl (26-4-1986 * 26-4-2011), trong bối cảnh thế giới lo ngại phóng xạ sau vụ Fukushima 1.

đài tưởng niệm cạnh nhà máy chernobyl
đài tưởng niệm cạnh nhà máy chernobyl

Lễ tưởng niệm bắt đầu vào nửa đêm qua tại Kiev, khi Giáo trưởng Kirill - người đứng đầu Nhà thờ Chính thống giáo - rung hồi chuông đúng vào thời điểm xảy ra vụ nổ Chernobyl ngày 26-4-1986. Tiếp đến, ông và Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych cùng thắp nến tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong thảm họa. Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần, Tổng thống Yanukovych đến thăm nơi xảy ra thảm họa hạt nhân này. Trước đó, ngày 20-4, ông Yanukovych đã cùng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tới thăm “khu vực chết”.

Lần này, cùng đi với ông Yanukovych còn có Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Tại nhiều địa phương của Ukraine đã diễn ra lễ cầu siêu và tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa Chernobyl.

Hoạt động tưởng niệm thảm họa Chernobyl cũng đã diễn ra tại nhiều khu vực và địa phương của Nga, Belarus, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và nhiều nước châu Âu cũng như trên thế giới. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức phiên họp đặc biệt tưởng niệm các nạn nhân thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất của thế kỷ XX và bàn các biện pháp tăng cường sự hợp tác quốc tế nhằm giảm thiểu hậu quả thảm họa này. Trước đó, tại trụ sở Liên hợp quốc cũng đã tổ chức triển lãm ảnh về Chernobyl.

Cách đây 25 năm, một vụ nổ đã xảy ra tại tổ máy số 4 Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl làm toàn bộ khu vực xung quanh có bán kính tới 30km bị nhiễm phóng xạ.  Vụ nổ đã phát thải lượng phóng xạ gấp 400 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima. Khoảng 800.000 binh lính, nhân viên cứu hộ và người dân Liên Xô đã trực tiếp tham gia khắc phục sự cố Chernobyl, trong đó đa số đã bị nhiễm xạ và cho tới nay vẫn còn hàng trăm nghìn người phải điều trị thường xuyên. Mới tuần trước, Tổ chức Y tế thế giới kết luận có đến 600.000 người nhiễm xạ nặng và hơn 4.000 người chết vì bệnh ung thư liên quan đến vụ nổ này.

Tại Ukraine, diện tích bị nhiễm xạ lên tới 50.000km2 tại 12 tỉnh và hiện vẫn còn 3,2 triệu người bị ảnh hưởng bởi phóng xạ. Ở Nga, 19 khu vực bị nhiễm xạ trên diện tích gần 60.000km2 với dân số 2,6 triệu người. Tại Belarus, 46.500km2, chiếm 23% lãnh thổ nước này, cũng đã bị ô nhiễm phóng xạ.

Cho tới nay, chính quyền Belarus đã chi gần 19,4 tỷ USD và trong giai đoạn 2011-2015 sẽ chi thêm 2,3 tỷ USD để khắc phục hậu quả thảm họa Chernobyl. Ngày 5-12-2000, Nhà máy Chernobyl đã ngừng hoạt động và tổ máy số 4 của nhà máy này đã được bao kín bởi một vỏ bọc rất dày. Tuy nhiên, hiện vỏ bọc này đang bị hủy hoại bởi phóng xạ và thời gian, đòi hỏi phải xây một vỏ bọc mới trước năm 2015. Theo kế hoạch của chính quyền Ukraine, vỏ bọc mới bằng thép, hình mái vòm có chiều cao 105m, dài 150m và rộng 260m, có thời hạn khoảng 100 năm với kinh phí xây dựng dự kiến lên tới gần 1,3 tỷ euro.

Lễ tưởng niệm 25 năm thảm họa Chernobyl diễn ra khi thế giới đang phải đặt lại câu hỏi đối với ngành năng lượng hạt nhân vì sự cố tại Nhà máy điện Fukushima 1 của Nhật Bản - nơi cảnh báo cũng được tăng lên cấp độ 7 ngang bằng với Chernobyl. Nếu không được giải quyết sớm, phóng xạ phát thải ra không khí hiện bằng 1/10 Chernobyl sẽ có nguy cơ vượt mức thảm họa năm 1986.


VIỆT ANH (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông