Thời gian gần đây, vấn đề biển Đông trở thành điểm nóng ở châu Á do những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Truyền thông trong khuvực đã có những bài viết đánh giá về vấn đề này.
| Philippines trang bị thêm nhiều tàu tuần tra hiện đại |
Hôm 29-7, tờ Dân tộc (The Nation) của Thái Lan đăng bài xã luận kêu gọi các nước thành viên ASEAN không có tranh chấp trên biển Đông cần chủ động hơn nữa để giải quyết vấn đề này. Theo The Nation, đến nay mới chỉ có Indonesia chứng tỏ sự quyết tâm giải quyết bất đồng về biển Đông của ASEAN, nhờ vào nỗ lực ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa. Báo này cho rằng đã đến lúc cả Thái Lan và Singapore cũng cần đóng vai trò tương tự như Indonesia. Theo đó, các nước ASEAN cần thảo luận vấn đề biển Đông với nhau và với Trung Quốc theo khuôn khổ ASEAN + 1. Các diễn đàn khác như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN cũng là các địa điểm lý tưởng.
Báo Yomiuri của Nhật Bản ngày 27-7 đăng bài yêu cầu Trung Quốc kiềm chế các hành động đơn phương và làm dịu căng thẳng thông qua đối thoại với Việt Nam. Theo bài viết của Yomiuri, với động thái lập “Tam Sa”, Trung Quốc muốn tăng cường kiểm soát hiệu quả đối với các quần đảo này. Không chỉ dừng lại ở đó, Trung Quốc còn tổ chức đại hội đại biểu nhân dân để bầu ra thị trưởng, thiết lập bộ máy hành chính tại khu vực này. Có lẽ, Trung Quốc muốn đặt “Tam Sa” làm bàn đạp cho mưu đồ khai thác tài nguyên, nguồn lợi thủy sản và phát triển du lịch trên Biển Đông.
Trong bài bình luận đăng trực tuyến trên mạng Project Syndicate của Singapore ngày 26-7, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Giáo sư Kishore Mahbubani đã phê phán Trung Quốc “bắt đầu có những sai lầm nghiêm trọng”, thể hiện qua hội nghị ASEAN ở Campuchia. Theo ông, việc làm của Bắc Kinh đã làm nước này mất 20 năm gây dựng thiện chí với ASEAN. Đáng chú ý, vị giáo sư người Singapore này dành nhiều đoạn trong bài để chỉ trích yêu sách “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) của Trung Quốc trên biển Đông. Giáo sư Kishore nói đường đứt khúc 9 đoạn này “có thể sẽ chỉ là cái gông cùm lớn đeo vào cổ Trung Quốc”.
Trước đó, ngày 23-7, tờ Bưu điện Jakarta của Indonesia có bài viết đưa tin Trung Quốc đang tổ chức hiện diện quân sự hùng hậu tại Biển Đông và động thái này về bản chất là một bước leo thang tham vọng khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh. Bài báo viết, mặc dù số người xuất hiện thường xuyên tại cái gọi là “Thành phố Tam Sa” chỉ khoảng vài nghìn, phần lớn là ngư dân, nhưng phạm vi phụ trách của “đơn vị hành chính” này bao gồm cả những vùng lãnh hải rộng lớn trên biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Bài viết bình luận, biển Đông đã trở thành điểm nóng có khả năng bùng nổ xung đột quân sự lớn nhất châu Á do những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Việt Anh (tổng hợp) |