Ngày 20-8, Scotland đã quyết định trả tự do cho Ali Mohmed al-Megrahi, kẻ bị kết án tù chung thân vì gây ra vụ đánh bom máy bay trênbầu trời Lockerbie năm 1988 làm 270 người chết.
| Megrahi ngày ra toà |
Đêm 21-12-1988, máy bay mang số hiệu 103 của hãng hàng không Pan Am (Mỹ) bị nổ tung trên bầu trời thị trấn Lockerbie, Scotland, khi đang trên đường từ London tới New York .Vụ đánh bom giết chết 259 người trên máy bay và 11 người dưới mặt đất. Trong số những người thiệt mạng, có 189 người Mỹ. Người duy nhất bị truy tố trong vụ này là một nhân viên tình báo Libya tên là Ali Mohmed al-Megrahi. Kẻ tình nghi đã bị tòa án Scotland kết án tù chung thân vào năm 2001. Nhưng đến ngày 20-8 vừa qua, phạm nhân được trả tự do với lý do bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối, được phép về chết tại nhà.
Cùng ngày, Megrahi đã đáp chuyên cơ trở về thủ đô Libya, sau đó nhà lãnh đạo Gaddafi và nhiều quan chức chính phủ Libya đón tiếp. Việc Megrahi được trả tự do đồng thời được đón tiếp “rình rang” tại quê nhà đã khiến chính phủ Mỹ và dư luận Anh hết sức bất bình. Ông Barack Obama nói rằng, việc Scotland trả tự do cho Megrahi là một sai lầm và Washington phản đối quyết định này. Cục trưởng Cục điều tra liên bang Mỹ Robert Muller, người từng tham gia xét xử vụ Lockerbie, nói việc thả Megrahi là "sự chế nhạo đối với công lý, đồng thời khiến các phần tử khủng bố trên thế giới cảm thấy được an ủi, khuyến khích”.
Hiện giới truyền thông Anh cho rằng đằng sau vụ thả Megrahi là cả một thoả thuận liên quan đến chính trị và dầu mỏ. Chính giới Mỹ cũng nghi ngờ động cơ trả tự do cho Megrahi của Anh, rằng có phải "ngoại giao dầu mỏ" đã phát huy tác dụng hay không? Ngày 23-8, Chủ tịch Tham Mưu trưởng Liên quân Mỹ Mullen lên án rằng, việc thả Megrahi rõ ràng là quyết định xuất phát từ chính trị. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ Bel Cadin thì yêu cầu tìm hiểu việc liệu Anh và Libya đã ký hợp đồng dầu mỏ như thế nào.
Một mảnh vỡ của chiếc máy bay bị đánh bom Hiện nay, Thủ tướng Anh Gordon Brown vẫn chưa trình bày bất cứ quan điểm về việc này. Thế nhưng Bộ trưởng Thương mại Anh Peter Mandelson ngày 22-8 nói, về việc thả Megrahi, kẻ gây nên tai nạn máy bay Lockerbie, chính phủ Anh tuyệt đối không tiến hành bất cứ giao dịch thương mại nào với Libya.
Thế nhưng, tờ Daily Telegrap của Anh đã hướng sự chú ý đến sự im lặng lỳ lạ của thủ tướng Gordon Brown trong vụ này, một thái độ nuôi dưỡng những tin đồn theo đó ông Brown đã tán đồng việc trả tự do Megrahi để bảo vệ quyền lợi của các tập đoàn dầu khí Anh ở Libya. Không chỉ vậy, Libya còn làm chính giới Anh đau đầu thêm khi nhà lãnh đạo Gaddafi công khai “cám ơn ông Brown, chính phủ Anh, Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng tử Andrew đóng góp vào việc khuyến khích Scotland đi đến quyết định quan trọng này”.
Tờ Guardian thì cho biết chính phủ Anh công bố bức thư “thân mật” gửi nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, yêu cầu chỉ tổ chức đón Megrahi “trong phạm vi gia đình”, vì “nghi lễ lớn sẽ làm gia đình nạn nhân thêm đau buồn”. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất mà lá thư này nhắc đến là cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Gordon Brown và ông Gaddafi bên lề thượng đỉnh G8 hơn một tháng trước về điều kiện phóng thích Megrahi. Điều này cho thấy quyết định phóng thích Megrahi được chính phủ Anh biết trước và ngược với tuyên bố trước đó, “quyết định trên là vấn đề của riêng chính phủ Scotland”.
Nhà phân tích cho rằng, thủ phạm vụ Lockerbie được trả tự do trườc thời hạn có lẽ sẽ làm cho quan hệ thương mại giữa Anh và Libya có sự chuyển biến tốt lên, nhưng cũng sẽ khiến quan hệ giữa Anh và Mỹ gặp trắc trở. Song xét về lâu dài, mặc dù sự kiện này khiến quan hệ hai nước không được vui lắm, song sẽ không gây ảnh hưởng về căn bản cho quan hệ giữa hai đồng minh thân cận này.
VIỆT ANH (tổng hợp) |