Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục

11:12 23/10/2018

Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng của năm 2018 ghi nhận những tin vui về tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với con số xuất siêu của Việt Nam trong 9 tháng đạt mức kỷ lục với trị giá 6,32 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 40,64 tỷ USD. Tính cả 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 352,61 tỷ USD, tăng 13,7% (42,44 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và vượt mức kim ngạch của cả năm 2016 (351,38 tỷ USD). Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 179,47 tỷ USD, tăng 15,8% và nhập khẩu đạt 173,14 tỷ USD, tăng 11,6%.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 9-2018 thặng dư 1,61 tỷ USD. Kết quả này đã làm tăng mức xuất siêu của Việt Nam trong 9 tháng lên con số kỷ lục 6,32 tỷ USD.

Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh

Tại cuộc họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 17-10 tại Hà Nội do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì cho biết, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt xa các chỉ tiêu đề ra. Tính đến hết tháng 9, đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Với những tín hiệu tích cực trên, Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017.

Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ tiếp tục là những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao của Việt Nam 9 tháng qua. Trong đó Trung Quốc là 28,81 tỷ USD, tăng 29,9%; Hàn Quốc là 13,45 tỷ USD, tăng 26,1% và Ấn Độ là 5,18 tỷ USD, tăng tới 88,6% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, EU và ASEAN đều đạt tốc độ tăng trưởng dương, lần lượt là 13,2%, 10,5% và 14,5%. Những nhóm hàng tăng trưởng mạnh 9 tháng qua là: điện thoại các loại và linh kiện tăng 5,16 tỷ USD, hàng dệt may tăng 3,18 tỷ USD; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 3,03 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng tăng 2,73 tỷ USD, sắt thép các loại tăng 1,21 tỷ USD, máy ảnh máy quay phim và linh kiện tăng 1,13 tỷ USD, giày dép các loại tăng 1,08 tỷ USD.

Về lĩnh vực nhập khẩu, trong số 58 thị trường chính có kim ngạch nhập khẩu trên 100 triệu USD trong 9 tháng của năm 2018 thì có tới 45 thị trường có tốc độ tăng dương. Những nhóm hàng ngô, thức ăn gia súc và nguyên liệu, than đá, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, kim loại thường, xăng dầu các loại, chất dẻo nguyên liệu… đều tăng cao.

Tại Hải Phòng, số liệu của Cục Thống kê thành phố cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 của thành phố ước đạt 715,9 triệu USD, tăng 0,77% so với tháng 8. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9 ước tăng 26,6%.

Tính chung cả 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6.038,4 triệu USD, tăng 25,82% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 78,5% kế hoạch năm 2018. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước là sản phẩm Plastic, hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử, dây điện và cáp điện...

Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 của thành phố ước đạt 697,5 triệu USD. Tính cả 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5.804,9 triệu USD, tăng 19,93% so với cùng kỳ năm 2017...

Theo các chuyên gia kinh tế, tình hình xuất khẩu 9 tháng qua của Việt Nam có nhiều điểm tích cực. Tuy nhiên dự báo tình hình xuất khẩu từ nay đến cuối năm Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đó là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe. Điều này khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Để tăng năng lực xuất khẩu trong những tháng cuối năm, cần phải quán triệt tốt 3 yếu tố chính gồm phát triển sản phẩm, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu; phát triển thị trường và tổ chức xuất khẩu để đạt hiệu quả cao. Đồng thời cũng cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong thời đại của robot thay thế con người, sẽ không còn chỗ cho lao động gia công giá rẻ, mà phải là lao động thông minh.

Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng đó là các doanh nghiệp phải chuyển dịch sản xuất, phải làm từ thiết kế, nguyên liệu trong nước mới tận dụng được lợi ích hiệu quả từ các FTA này. Đồng thời, doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi liên kết hợp tác và triển khai hiệu quả các dự án, đầu tư bài bản, chú trọng đầu tư công nghệ cũng như chiến lược để có thể đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe của các thị trường khó tính…

Bùi Hạnh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích