Xây dựng nông thôn mới – Kết quả của tinh thần “dám nghĩ, dám làm” (Kỳ 1)-Quyết đoán từ niềm tin, khát vọng

08:54 01/10/2020

Ngày 4-6-2010 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 800/QĐ-TTg, phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 (xây dựng nông thôn mới). Sau một thời gian tính đến trước thời điểm diễn ra Đại hội 15 Đảng bộ thành phố (Đại hội 15), kết quả triển khai thực hiện trên địa bàn Hải Phòng còn khá khiêm tốn. Nhưng trong những năm gần đây, Hải Phòng đã trở thành điểm sáng của cả nước, khi hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội 15 đề ra, về đích với thành tựu ngoạn mục.

 Ứng dụng kỹ thuật cao vào canh tác nông nghiệp ở huyện Kiến Thụy

Kể từ khi Quyết định số 800/QĐ-TTg được ban hành, thành phố đã có nhiều văn bản liên quan đến nhiệm vụ quan trọng này.

Tại Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 16-7-2012 về “xây dựng nông thôn mới Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, Thành ủy đã thể hiện rõ quan điểm: “Nông thôn Hải Phòng có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp CNH-HĐH thành phố, là lực lượng to lớn góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững…”.

Nghị quyết 06 cũng khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, nhằm khơi dậy tinh thần yêu quê hương, đất nước, tự lực, tự cường vươn lên của cộng đồng dân cư ở từng địa phương. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và nâng cao đời sống nhân dân..”.

 Có thể nói, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã được thành phố triển khai rất quyết liệt, với sự vào cuộc của toàn xã hội, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong giai đoạn đầu kết quả chưa thực sự rõ nét.

Theo đó, trên địa bàn thành phố có 139 xã thuộc 7 huyện trên tổng số 143 xã triển khai xây dựng nông thôn mới (4 xã chưa triển khai nằm trong quy hoạch phát triển khác). Tính đến thời điểm trước Đại hội 15, Hải Phòng mới có 41 xã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong khi đó bình quân toàn thành phố mới đạt 13/19 tiêu chí, cho thấy sự chênh lệch giữa các địa phương là khá lớn, kết quả chưa đồng bộ.

Chính vì vậy, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội 15, có quan điểm đề xuất trong giai đoạn 2015-2020, chỉ nên đặt ra mục tiêu phấn đấu 70% trên tổng số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Tại Đại hội 15, nội dung này đã được thảo luận sôi nổi, với tinh thần trách nhiệm cao, trên cơ sở rà soát, đánh giá tổng hợp và tổng lực, Đại hội đã quyết sách phấn đấu đạt chỉ tiêu đến năm 2020 toàn thành phố hoàn thành 100% số xã nông thôn mới.

Đây là một quyết sách thể hiện quyết tâm rất cao, với niềm tin và khát vọng, dựa trên những phân tích khoa học, tương xứng với tiềm năng vị thế cũng như truyền thống dám nghĩ, dám làm của thành phố Hải Phòng. Trên tinh thần đó, Nghị quyết Đại hội 15 được ban hành đã tạo ra làn gió mới, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Cùng với việc phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, nhiều đề án, chương trình đã được triển khai phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và cải thiện đời sống nông dân.

Đặc biệt, đề án hỗ trợ xi măng từ nguồn ngân sách thành phố mang đầy sức sáng tạo, kết hợp với nguồn lực xã hội hóa đã tạo bước đột phá cho việc cải tạo giao thông nông thôn, củng cố vững chắc nền tảng để phát triển kinh tế. Chỉ sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 15, tính đến hết năm 2017 thành phố đã đạt bình quân 16,45 tiêu chí theo chuẩn, có 74 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Sản xuất rau sạch theo phương pháp công nghiệp hóa nông nghiệp ở huyện Vĩnh Bảo

Bước sang năm 2018, UBND TP đã ban hành Quyết định số 3526/QĐ-UBND, giao chỉ tiêu cụ thể về xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở này thành phố tiếp tục ban hành 10 quyết định, 1 chỉ thị và trên 120 văn bản khác nhau về việc đẩy mạnh triển khai xây dựng nông thôn mới. Từ bài học thành công của 74 xã đã hoàn thành, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan, xây dựng kế hoạch triển khai hoàn thiện chương trình đối với các xã còn lại.

Bước sang năm 2018, toàn thành phố đã đạt bình quân 17,5 tiêu chí/xã, thành phố đã hỗ trợ trực tiếp 860 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng và nâng cấp cải tạo 54,9km đường giao thông, hơn 8km kênh mương, 21,72km rãnh thoát nước thải khu dân cư, 119 công trình trường học, 180 công trình cơ sở vật chất văn hóa và nhiều công trình quan trọng khác.

Việc phân bổ kế hoạch vốn được ưu tiên với hàng trăm công trình, quyết tâm tập trung đủ vốn để về đích nông thôn mới đúng hẹn, kết quả đã đạt vượt hơn sự mong đợi. Xây dựng nông thôn mới được tập trung cao với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực và hiệu quả, tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2015-2020 đạt 35.800 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp chiếm 12% (4.031 tỷ đồng).

Đến năm 2019 đã có 100% số xã (139/139 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu đề ra trước 1 năm (bình quân cả nước có 50% số xã); năm 2020 có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng 8 mô hình thí điểm xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Nổi bật, cơ chế thành phố hỗ trợ xi măng, nhân dân tự đóng góp vật tư, nhân công, mặt bằng đã phát huy vai trò làm chủ thực sự của người dân trong xây dựng nông thôn mới, đem lại hiệu quả thiết thực, nhanh chóng làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn.

Trong 5 năm 2015-2020 đã hoàn thành 2.677 km đường giao thông các loại, riêng chương trình hỗ trợ xi măng đã xây dựng 10.000 tuyến đường (nội đồng, thôn xóm, nội bộ nghĩa trang) với tổng chiều dài 1.695 km; 434 công trình trường học; 370 công trình văn hóa, thể thao; 11 chợ nông thôn; 30 công trình y tế và nhiều công trình khác.

               Lê Minh Thắng (Còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông