Xây dựng nông thôn mới – Kết quả của tinh thần “dám nghĩ, dám làm” (Kỳ 2)-Góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội

20:52 01/10/2020

Cùng với chủ trương khơi thông các chính sách về hạ tầng, Nghị quyết Đại hội 15 đã chú trọng phát triển ngành nông nghiệp, gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo đó tập trung thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, áp dụng công nghệ sinh học, bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp từng bước nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của nhân dân.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Vĩnh Bảo

Thành phố cũng chủ trương tiếp tục hỗ trợ việc dồn điền, đổi thửa mở rộng các vùng sản xuất tập trung, hình thành các cánh đồng mẫu lớn. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các Hợp tác xã để góp vốn liên doanh liên kết với nông dân, nhằm ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hải Phòng vốn là địa phương có truyền thống đột phá trong công cuộc đổi mới, với những bước đi sáng tạo, từ “khoán mới” đến các phong trào “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “dân vận khéo”… Tựu chung kết quả của tính sáng tạo, của mọi sự vận động đều hướng đến mục tiêu lớn nhất là phát triển kinh tế, ổn định xã hội, để người dân được thụ hưởng xứng đáng thành quả của mình.

Và kết quả xây dựng nông thôn mới trong 5 năm qua cơ bản đã thể hiện khá rõ điều này. Điều đó đã phản ánh đúng lộ trình được Thành ủy, HĐND đề ra, dưới sự điều hành của UBND TP và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Quan trọng nhất là khẳng định vai trò chủ thể của người dân, với tinh thần “Của dân, do dân và vì dân”.

Nhìn lại cả quá trình 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Hải Phòng đã thay đổi rõ rệt. Khi Hải Phòng bắt đầu xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân trên đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 18 triệu đồng/người/năm, thì hiện nay mức thu nhập này đã tăng gáp nhiều lần, với khoảng 60 triệu đồng/người/năm.

Tính từ năm 2015, thời điểm diễn ra Đại hội 15, đến nay sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 15.330,8 tỷ đồng, gấp 1,08 lần năm 2015 (14.235,8 tỷ đồng), tăng bình quân 1,49%/năm. Các chỉ tiêu khác như giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao tỷ lệ lao động khu vực nông thôn có việc làm thường xuyên, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh… đều đạt các mục tiêu đề ra.

Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đúng hướng, đạt kết quả tích cực. Đơn cử, khi khởi động xây dựng nông thôn mới, thành phố mới thí điểm 3 mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở các xã Hùng Thắng (Tiên Lãng), Việt Tiến (Vĩnh Bảo) và Kênh Giang (Thủy Nguyên). Thì nay toàn thành phố có 685 trang trại, với 20.340ha vùng sản xuất tập trung. Đồng thời đã thu hút được 12 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến nông sản công nghệ cao phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước với tổng diện tích 489,65 ha, vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế liên kết với các hộ vệ tinh, tạo mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cũng ngày một tăng cao.

Phát triển trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao

 

Trên thực tế, không riêng gì khu vực nông thôn mà xét trên tổng thể thì hạ tầng cơ sở là một trong những yếu tố quyết định cao nhất đến phát triển kinh tế xã hội. Đối với khu vực nông thôn cũng vậy, việc Hải Phòng “đi sớm” trong phương thức áp dụng cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng nông thôn mới kiến tạo cho khu vực ngoại thành một hệ thống giao thông kết nối khá hoàn hảo.

Nhờ giao thông tốt, người dân mới mạnh dạn đầu tư các thiết bị phương tiện hiện đại, những chiếc máy gặt, máy tuốt lúa có thể tiếp cận mọi bờ đồng góc ruộng, tiết kiệm rất lớn về sức lao động và thời gian, cũng đồng nghĩa với tiết kiệm chi phí đầu tư khác. Việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật cũng vì thế mà thuận lợi hơn rất nhiều.

Ở một góc độ khác, nếu như hạ tầng kinh tế khu vực công nghiệp là các khu, cụm công nghiệp, thì nền tảng của khu vực nông nghiệp là các trang trại, gia trại, vùng sản xuất và nhiều dạng hình dịch vụ tập trung khác. Kết quả của hệ thống này giúp nông dân Hải Phòng sản xuất ngày càng nhiều hơn những sản phẩm tiêu chuẩn, chất lượng cao và cũng nhanh chóng được đưa ra thị trường.

Hơn nữa, việc ứng dụng “dồn điền, đổi thửa”, hình thành các vùng sản xuất lớn cũng khắc phục hiệu quả tình trạng người dân bỏ ruộng, đồng thời giúp những người dân khác yên tâm hơn trong việc sở hữu ruộng đồng của mình.

Rõ ràng, chương trình xây dựng nông thôn mới nhìn từ Hải Phòng đã cho thấy hiệu quả, trong đó phát triển kinh tế xã hội là một trong những minh chứng rõ nét nhất. Đó là kết quả của công tác lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt từ thành phố, đồng thời cũng là ý thức trách nhiệm tự vận động của mỗi địa phương.  

Điều này đã thể hiện tính nhất quán trong việc quán triệt triển khai và thực hiện chủ trương lớn, để Hải Phòng hòa chung khí thế với cả nước, phát triển nông thôn “ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đàm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”.

Tuy nhiên, dù có nhiều thuận lợi và đạt được những kết quả ban đầu, công cuộc xây dựng nông thôn mới của Hải Phòng còn không ít những thách thức cần phải giải quyết. Đáng chú ý là, đã xuất hiện ý thức chủ quan, chạy theo bệnh thành tích hoặc trông chờ ỷ lại… hơn nữa cũng phải nhìn nhận, bên cạnh những tồn đọng cần giải quyết do lịch sử để lại, chương trình xây dựng nông thôn cũng còn phải cần nhiều hơn công sức, trí tuệ và tiền của, là điều không hẳn dễ dàng.

Tin tưởng rằng, Đại hội 16 Đảng bộ thành phố sắp tới sẽ tổng rà soát, đánh giá, đưa ra những giải pháp hoàn thiện một cách hữu hiệu.

Lê Minh Thắng (còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông